Liệu trong tình trạng các hãng âm thanh đang ‘không dây hóa’, những cặp tai nghe in-ear có dây như Oriolus Finschi còn có chỗ đứng?
Sau khi Apple quyết định từ bỏ cổng nghe nhạc 3.5mm, các hãng smartphone Android cũng theo sau, kéo theo cả những hãng âm thanh cũng phải ‘rục rịch’ sản xuất tai nghe không dây. Xu hướng này như một con dao 2 lưỡi, với mặt lợi là toàn bộ ngành công nghiệp không dây bỗng dưng phát triển một cách nhanh chóng, các cặp tai nghe và loa không dây có chất lượng ngày càng cao, lại có mức giá rẻ hơn bao giờ hết
Nhưng ngược lại, mặt hại là một số hãng âm thanh đã có tên tuổi như AKG, Audio Technica, Sony và Sennheiser cũng dồn toàn lực vào làm đồ không dây, mà có vẻ ‘trễ nải’ việc thiết kế các cặp tai nghe có dây chất lượng thật sự.
Hộp đựng của Finschi khá giống với hộp chống nước của Ottobox!
Một hãng chưa, hoặc cố tình không đi theo xu hướng này đó là Oriolus, một hãng âm thanh đến từ Xứ sở hoa anh đào – Nhật Bản. Đây không hẳn là một hãng mới du nhập vào nước ta, 2 năm trước đây hãng đã ‘chào Việt Nam’ bằng sản phẩm Oriolus V2 và cũng đã đón nhận được nhiều lời khen từ giới chơi nhạc Việt. Tuy vậy, đây là một cặp tai nghe đắt tiền – lên tới 24 triệu đồng, nên hôm nay chúng ta sẽ cùng trải nghiệm một sản phẩm ở tầm giá ‘hạt dẻ’, dễ tiếp cận hơn (khoảng 5 triệu đồng) là Oriolus Finschi xem nó có ‘chất’ như người anh của mình hay không.
Mở hộp
Đập hộp nhanh, ta có thể tìm thấy 6 bộ đệm tai các kích cỡ, kẹp áo, một bộ vệ sinh và một dây chuẩn 2-pin.
Hãng Oriolus có 2 truyền thống đó là đặt tên tai nghe của mình theo các loài chim và làm tai nghe bằng nhựa acrylic giống với tai Custom (tai đặt làm riêng cao cấp). Finschi là tên một loại vẹt, có đầu đỏ và thân xanh lá; không biết cái tên này có ngụ ý gì không?
Còn về phần vỏ, Finschi được làm bằng nhựa acrylic đen (vẫn có độ trong nhẹ), và có vẻ như được đổ khuôn bằng tay chứ không làm công nghiệp hàng loạt. Phần vỏ này có độ mịn cao, cũng như có những đường lượn phía bên trong nên đeo khít tai, cũng như không chèn ép vào vành tai nên tạo cảm giác thoải mái kể cả khi sử dụng lâu dài.
Sợi dây nâng cấp được sản xuất bởi Satin Audio, một hãng chuyên về dây của Việt Nam!
Trên thân tai nghe có một lỗ thoát khí, vì bên trong mỗi bên Finschi không chỉ có 1 màng Balance Armature mà còn có 1 màng Dynamic nữa. Màng Dynamic có ưu điểm là tạo ra được những âm trầm có độ đập (impact) cao, còn Balance Armature lại thể hiện được âm trung và cao trong, sạch sẽ. Việc sử dụng cả 2 loại màng (dạng lai – Hybrid) nếu được phân tần tốt sẽ tạo ra chất âm cân bằng, tận dụng được ưu điểm của cả 2.
Phần cổng cắm dây 2-pin của Oriolus Finschi được làm lõm vào trong, nên khi mua dây nâng cấp người dùng cũng phải để ý đường kính của chân connector!
Thông số kĩ thuật
- – Màng loa: 1 Dynamic và 1 Balance Armature
- – Chân cắm dây: 2-pin
- – Dải đáp tuyến: 10 – 40.000Hz
- – Độ nhạy: 112dB
- – Trở kháng: 18Ω
- – Trọng lượng: 9g
Chất lượng âm thanh Oriolus Finschi
Ngoài kiểu thiết kế đặc trưng, hãng âm thanh Oriolus cũng có một chất âm rất riêng. Chất âm này như một cốc trà vậy, hơi ấm, ngọt nhẹ nhưng vẫn rất thanh sạch. Tổng thể âm thanh của Finschi khá đồng đều, không có dải nào lấn lướt các dải khác, nhưng sau một thời gian nghe ta sẽ nhận ra rằng hãng muốn nhấn mạnh vào việc thể hiện dải trung, giọng ca sĩ.
Ta sẽ bắt đầu từ dải trầm. Oriolus Finschi có lượng trầm dừng lại ở mức trung bình, và với những ai đã quen nghe tai nghe V-shape hoặc có nhiều trầm thì lượng này trở thành ít. Tai nghe có vẻ bị ‘đuối’ khi xuống với phần siêu trầm (sub bass), bị giảm âm lượng (roll-off) hơi sớm, cũng như không có lực trong những bài nhạc Dance. Thế nhưng cặp tai nghe này không làm ra để chơi nhạc ‘nhảy’ mà là các bài nhạc nhẹ, nhạc Jazz và Ballad trữ tình, nên hãng chỉ tập trung vào việc làm tốt phần trầm trung (mid-bass).
Nghe luôn với bài Bésame Mucho của ca sĩ nữ Chantal Chamberland, phần trống và contrabass qua cách thể hiện của Finschi được kiểm soát tốt, chơi tại một điểm nên không tràn (bleed) vào nền âm tạo cảm giác tối và nặng nề. Phần mid-bass nói chung không nhiều lượng, nhưng có lực nhấn xuống đủ mạnh để mỗi khi xuất hiện vẫn để lại dấu ấn với người nghe. Một trong những ưu điểm đáng khen của dải trầm Finschi đó là nó có tốc độ tan (decay) nhanh, giúp nó không kéo đuôi, hay làm mờ và dính vào nhạc cụ chính, giọng ca sĩ.
Như đã đề cập ở trên, phần mà tai nghe làm rất tốt đó là phần trung, gồm nhạc cụ chính và giọng ca sĩ. Nhìn chung, dải trung này có giống với chất âm tổng thể của tai nghe đó là ngả tối nhẹ, ấm nhưng vẫn giữ được tính thanh, sạch sẽ từ trên xuống dưới. Giọng Emily Browning trong Come Monday Night tiến rất gần vào người nghe nên tạo sự gần gũi, tuy vậy lại hơi ‘màu’, ngọt giống với các tai nghe Audio Technica nên không cho cảm giác ‘bạo lực’ (agressive). Lên dần tới dải trung cao (high-mid) thì giọng ca sĩ có nhẹ đi, nhưng không bị roll-off hoàn toàn giống với dải siêu trầm, nên tránh được sibalance song vẫn có một chút nhấn nhá.
Cách thể hiện giọng hát của Finschi chắc nhiều người sẽ thích, nhưng khi tới các bài chuyên nhạc cụ (instrumental) thì sẽ phụ thuộc vào gu nghe. Âm trung hơi ngọt và có phần màu mè của Finschi sẽ không làm các nhạc cụ giữ được âm sắc đúng, mà có vẻ đầm và dịu hơn. Những ai cần tính chính xác tới từng Hertz một thì có lẽ sẽ không hợp với cặp tai nghe này. Nhưng ngược lại, những ai muốn nghe nhạc cụ theo dạng ‘tự nhiên’ và ‘nhẹ nhàng’ thì có thể sẽ thích Finschi.
Âm cao (treble) cũng là dải âm mà Finschi được tinh chỉnh rất hợp lí. Lượng âm cao vừa đủ dùng, nhưng điểm nối bật đó là có độ sáng rất tốt, nên ‘xuyên’ qua được tổng thể âm có phần dày của tai nghe. Thử với bản Stolen Dance của Milky Chance, âm hi-hat không hề bị kìm kẹp bởi các dải âm khác và thể hiện được ở một không gian thoáng đãng. Đây không phải là âm cao cao nhất mình từng được thử, nhưng do được làm dày và tốc độ tan không quá nhanh nên vẫn thực sự tốt.
Một điểm khiến cho Finschi nổi bật, thể hiện được đây là một sản phẩm của một hãng âm thanh có tiếng tại Nhật Bản đó là cách cặp tai nghe này thể hiện âm trường. Âm trường chiều ngang dừng lại ở mức khá tốt, thể hiện được cảm giác thoát ra khỏi tai nhẹ; nhưng điểm đặc biệt là âm trường về chiều sâu. Thử với bài Bimini Bay của Alexis Cole, các nhạc cụ được đẩy ra sau tai người nghe, đúng với vị trí của nó và tạo được không gian nhạc chính xác. Mọi thành phần âm thanh đều dày dặn, có phần hơi đậm nhưng do được đặt đúng chỗ và có khoảng cách với nhau nên không bao giờ dính chùm vào nhau, đặc điểm của một cặp tai được tinh chỉnh tốt.
Lời kết
Oriolus Finschi thể hiện rất rõ cách tinh chỉnh chất âm theo cách truyền thống: chọn lấy một hướng âm nhất định rồi làm tốt nhất có thể, chứ không làm kiểu âm nghe tạp mà không nổi trội ở bất cứ dòng nhạc nào. Trở lại với câu hỏi ở đầu bài, liệu cặp tai nghe này còn chỗ đừng giữa ‘rừng’ tai nghe không dây? Câu trả lời chắc chắn là có, một sản phẩm chất lượng và thể hiện được đẳng cấp thực sự chắc chắn vẫn sẽ có người quan tâm mặc dù không có những tính năng mới mẻ nhất.
Theo Genk