Nuraphone là một chiếc tai nghe không dây không giống với bất cứ thứ gì mà bạn từng nhìn thấy trước đây. Nó vừa là tai nghe chụp tai lại vừa là tai nghe nhét tai. Đặc biệt là chiếc tai nghe này có khả năng phân tích đôi tai của bản và điều chỉnh âm theo thông minh cùng khả năng chống ồn chủ động thuộc loại tốt nhất thế giới.
Chiếc tai nghe này xuất hiện có vẻ giống như những đồ phụ kiện bỏ đi mà bạn đã nhìn thấy ở phần quảng cáo sau mấy cuốn tạp chí nhưng thực sự thì nó lại là một trong những chiếc tai nghe chống ồn có âm thanh ấn tượng nhất mà bạn tìm thấy được trong tầm giá 10 triệu đồng đấy.
THIẾT KẾ VÀ ĐỘ THOẢI MÁI CỦA NURAPHONE
Đầu tiên, thiết kế của Nuraphone trông cũng bình thường như bất cứ tai nghe chụp tai nào. Phần headband kim loại, earcup tròn cổ điển và màu sơn đen. Có vẻ Nuraphone không phải chiếc tai nghe sinh ra để lòe người khác.
Xoay một vòng và bạn sẽ nhìn thấy ngay một mẩu gì đó thò ra khỏi earcup. Đây chính là phần để nhét vào tai của bạn. Phần này được làm đàn hồi để có thể fit với nhiều cỡ và kiểu tai khác nhau của người đeo. Đây cũng là minh chứng cho một chiếc tai nghe được tạo ra theo triết lý tùy biến riêng cho trải nghiệm của mỗi cá nhân riêng biệt.
Phần earpad và phần nhét tai được chế tạo từ một miếng silicon liền mạch. Lựa chọn chất liệu này sẽ khá bền khi so với các chất liệu giả da như những tai nghe thông thường nhưng để xem trải nghiệm đeo sẽ như thế nào.
Độ vừa vặn và cảm giác đeo khá là lạ, một phần là bởi vì phần nhét tai không thực sự giống những chiếc tai nghe in-ear thông thường. Mình đeo tai in-ear rất nhiều, cảm giác lúc đầu là sẽ thấy có gì đó ở trong tai. Cảm giác đó mất dần theo thời gian vì vị trí của nó không thay đổi do phần eartips đã được gắn chặt vào tai.
Với Nuraphone, phần eartips sẽ đẩy nhẹ vào trong tai của bạn, cảm giác giống như phần earcup ép vào đầu của bạn bằng headband ấy. Phần bám chắc nhất sẽ là phần earcups, không phải là phần eartips. Kết quả là cảm giác thật khó tả, khi bạn đi lại hay rung lắc đầu, phần eartips của nó cũng sẽ di động theo dù chỉ là chút ít những vẫn có thể cảm nhận được.
Nuraphone không phải là khó chịu khi đeo nhưng mình có thể chắc chắn rằng có một vài người sẽ cảm thấy không thích khi đeo chiếc tai nghe này. Thật may là ở Xuân Vũ đã có hàng để test thử trước khi mua, bạn không còn phải lo lắng về vấn đề này nữa.
Ngoài ra, thiết kế của Nuraphone cũng đưa ra khá nhiều tranh cãi. Phần earpad từ silicon khác biệt với đa số những tai nghe thông thường. Người ta lo sợ rằng silicon sẽ khiến tai nghe bị bí và ra nhiều mồ hôi khi đeo. Nuraphone đã khắc phục điều đó bằng cách chế tạo earpad từ một lớp silicon mềm, mỏng và hệ thống thông hơi thông minh để giữ cho tai người đeo luôn thoáng mát.
Tuy nhiên bạn đừng nhầm Nuraphone với những chiếc tai nghe open-back. Nuraphone là một trong những chiếc tai nghe full-size có khả năng chống ồn tốt nhất mình từng nghe kể cả khi không bật chế độ chống ồn chủ động.
Tai nghe chống ồn chủ động top đầu thế giới như Bose QuietComfort 35 hoạt động bằng cách triệt tiêu các âm thanh tần số thấp nhưng Nuraphone thì làm điều đó trên toàn bộ dải tần. Đó là một điều kỳ diệu nhờ vào thiết kế kết hợp giữa in-ear và full-size.
Chất lượng hoàn thiện của Nuraphone có vẻ cũng rất tốt. Phần headband làm từ thép và phần earcup làm từ nhôm mạ điện. So sánh với Beats Studio 3 Wireless thì Nuraphone tỏ ra cao cấp hơn nhiều. Một đường diamond cut lớn ở trên earcup làm lộ ra ánh kim loại chính là điểm nhấn của Nuraphone.
NURAPHONE – KHÔNG DÂY VÀ ÂM THANH TÙY BIẾN
Nuraphone là một chiếc tai nghe Bluetooth nhưng có khả năng cắm dây. Phần giắc cắm trên tai sử dụng với 2 mục đích, cắm sạc và cắm dây tai nghe.
Mặc định đi theo tai nghe chúng ta chỉ có 1 sợi cáp sạc USB-A đi kèm. Các loại dây cắm khác bao gồm : dây cắm 3.5mm, dây cắm lighting, dây cắm USB-C, micro-USB… thật tiếc là bạn sẽ phải mua riêng ở bên ngoài.
Cách để khởi động chiếc tai nghe khá là kỳ lạ. Sẽ không có nút nguồn, tất cả việc cần làm bạn chỉ cần đeo tai nghe lên, bạn sẽ nghe thấy thông báo : “Welcome back, Dave” ( Dave ở đây là tên của bạn ) Chỉ có cách này bạn mới biết được là tai nghe của mình có hoạt động hay không. Nhiều người cho rằng trải nghiệm này thật là kỳ diệu, đáng kinh ngạc nhưng mình lại thích cách cổ điển hơn như công tắc gạt chẳng hạn.
Cách điều khiển của Nuraphone cũng rất khác biệt. Mỗi phần núm của earcup chính là phần điều khiển cảm ứng. Bạn có thể lập trình trong ứng dụng đi kèm các chức năng như thay đổi profile âm thanh cá nhân, chuyển chế độ bass mode hay dừng/phát nhạc, chuyển bài hay tăng giảm âm lượng. Nuraphone sẽ rung phản hồi khi bạn chạm vào, giống như khi bạn tương tác trên smartphone vậy. Khá thú vị và thông minh.
Hiệu suất kết nối không dây của Nuraphone là rất tốt. Nuraphone hỗ trợ chuẩn aptX-HD nên bạn có thể có chất lượng âm thanh tiệm cận lossless nếu có một nguồn phát tốt.
Phần quan trọng nhất của Nuraphone chính là khả năng tùy biến âm thanh. Tính năng này hoạt động dựa trên nguyên lý đo sóng phản hồi tai nghe với tên gọi Otoacoustic Emission. Để bắt đầu, phần mềm đi kèm Nura sẽ chạy một loạt các sóng âm. Sau đó microphone trên tai nghe sẽ thu lại các phản hồi từ tai của chính bạn. Nura app sẽ xử lý các dữ liệu này trong một vài phút và tự động sinh ra một profile cá nhân cho riêng bạn.
Ứng dụng sẽ để bạn lựa chọn qua lại giữa profile cá nhân của bạn và 1 profile mặc định chung. Mình đã thử so sánh âm thanh Nuraphone của mình với profile khác của một người bạn, kết quả là âm thanh hoàn toàn khác biệt. Dải treb bị lùi xuống và dải mid được đẩy lên. Mỗi người một profile âm thanh riêng thực sự là điều tạo nên khác biệt của Nuraphone.
Ứng dụng cũng cho phép bạn tùy chọn tính năng với tên gọi Immersion, cho phép bạn cải thiện dải bass trên tai nghe. Cấu tạo đặc biệt của Nuraphone gồm có 2 buồng loa chứa 2 loa riêng biệt. Loa nhỏ cho dải trung và cao đặt ở gần tai và một loa bass có kích thước lớn đặt trong earcup. Hiệu ứng Immersion sẽ được áp dụng vào driver bass này.
Bạn có thể điều chỉnh mức độ của hiệu ứng Immersion thông qua thanh gạt trên phần mềm. Ở mức tối đa, chúng có thể rung lên rất mạnh đến mức đau tai, âm bass cho ra vô cùng bạo lực. Tính năng này làm mình nhớ đến chiếc Skullcandy Crusher nhưng âm bass của Nuraphone thì tốt hơn một bậc.
Hiệu ứng Immersion có thể sẽ thích hợp với các bass-head hoặc những người thích xem phim hành động. Còn khi nghe nhạc thì bạn nên để hiệu ứng này ở mức thấp hoặc tắt đi để âm thanh cân bằng hơn.
Thời lượng pin của Nuraphone rơi vào khoảng 15-20 giờ tùy thuộc vào mức âm lượng và các cài đặt. Khá là thoải mái cho một chiếc tai nghe full-size nhiều tính năng.
BẢN CẬP NHẬT G2 MANG ĐẾN MỘT LOẠT TÍNH NĂNG MỚI TRÊN NURAPHONE
Vào tháng 7, 2018, Nuraphone nhận được bản nâng cấp firmware G2. Bên cạnh việc tăng cường hiệu suất của các tính năng cũ, bản update này còn mang lên Nuraphone rất nhiều tính năng hay ho mới. Một trong những tính năng nổi bật nhất đó là CHỐNG ỒN CHỦ ĐỘNG.
Nuraphone giờ đây hứa hẹn trở thành một chiếc tai nghe chống ồn cực mạnh. Nhờ vào kết cấu đeo đặc biệt mà Nuraphone có khả năng cách âm mạnh mẽ hơn bất cứ một chiếc tai nghe full-size thông thường nào. Bây giờ lại cộng thêm hệ thống xử lý tiếng ồn kỹ thuật số càng làm cho độ cách âm trên tai nghe này thêm khác biệt.
Thật may là chúng ta cũng có cả chức năng “social mode”, cho phép bạn có thể nghe thấy âm thanh xung quanh mà không cần tháo tai nghe. Tính năng này gần giống với Ambient Sound trên Sony WH-1000XM3. Rất thông minh và tiện lợi.
Cập nhật mới thêm vào các tính năng single-tap và double-tap cho phép mở rộng khả năng điều khiển của Nuraphone. Bạn có thể gán các lệnh như tăng giảm âm lượng hay chuyển bài nhờ vào các cử chỉ mới này.
CHẤT ÂM CỦA NURAPHONE
Kết quả tất nhiên của việc cá nhân hóa profile âm thanh, bạn có thể sẽ có trải nghiệm khác biệt trên chiếc Nuraphone của mình khi so với người khác. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh mà Nuraphone nhắm tới không phải là tầm thường.
Profile âm thanh của mình trên Nuraphone cho chất âm ra gần giống với chiếc Audio-Technica ATH-MSR7 nhưng không còn độ sắc lạnh ở high-mid và dải treb mềm mại hơn, âm thanh trở nên khá thư giãn. Dải treb khi so sánh với Sennheiser Momentum 2.0 thì lại trên một bậc, treb sáng hơn và chi tiết tốt hơn.
Có thể màu âm của mỗi profile là khác nhau nhưng ở các yếu tố như độ động, khả năng tách bạch và âm trường là những thứ cố hữu tạo căn bản của một chiếc tai nghe như Nuraphone.
Với một driver bass kích thước siêu lớn và 1 driver mid-treb riêng biệt, Nuraphone cho một âm thanh có độ rộng của một chiếc full-size. Âm bass giàu năng lượng và rất lịch sự. Bạn sẽ không bị hiện tượng bass lùng bùng hay lấn dải như những tai nghe rẻ tiền. Âm bass sẽ ít bị thay đổi khi bạn chuyển profile âm thanh khác nhau do ảnh hưởng của dải mid-treb lên màu âm sẽ rõ ràng hơn. Mình sẽ không gọi chất âm của Nuraphone đặt ngang hàng với những chiếc tai nghe Monitor vì thực sự thì Nuraphone hướng đến đối tượng khách hàng phổ thông, nơi mà mọi người dễ yêu thích và ấn tượng bởi âm bass nhiều hơn. Dải mid và treb cho chi tiết khá tốt nhưng bạn cần phải tập trung lắng nghe thì mới nhận ra được.
Do cấu tạo driver mid-treb ở dạng in-ear nên vocals tập trung ở giữa và mỏng hơn một chút khi so với các tai nghe full-size thông thường. Bù lại thì âm trường và âm hình lại rộng rãi và có chiều sâu hơn rất nhiều chiếc tai nghe inear.
KẾT LUẬN
Nuraphone là một chiếc tai nghe đặc biệt, khác xa và nổi bật trên thị trường tai nghe. Sự kết hợp giữa thiết kế của một tai nghe in-ear và một tai nghe full-size tưởng như một lời đùa nhưng nó là có thật, và nó đã hoạt động tốt.
Nếu bạn là một người yêu công nghệ, thích khám phá, cần một chiếc tai nghe chống ồn mạnh mẽ để đi lại và không đi theo hơi hướng audiophile thì Nuraphone là một lựa chọn xuất sắc dành cho bạn.