Hè năm lớp ba, như món phần thưởng vì đã đạt danh hiệu học sinh giỏi, bố mẹ dành tặng cho tôi món quà công nghệ đầu tiên – một chiếc máy nghe nhạc MP3. Nó có dung lượng lên đến… 256MB (MB, không phải GB) – một con số kinh hoàng vào thời điểm năm ấy và tính năng cũng chẳng có gì đặc biệt. Thế nhưng, cảm giác khi được mang theo mình và tận hưởng những giai điệu yêu thích mọi lúc, mọi nơi thật là thích.
Vì thời gian đã trôi qua lâu nên tôi không còn giữ chiếc máy nghe nhạc đó, nhưng nó trông gần giống thế này
Đương nhiên, để có thể nghe nhạc , có một công đoạn mà tôi hay bất kỳ ai sở hữu những chiếc máy như vậy cũng sẽ phải làm, đó là lên mạng và tải nhạc về. Thời đó Internet chưa phổ biến như bây giờ, các thiết bị di dộng cũng không đủ khả năng để stream nhạc trực tiếp từ các dịch vụ như hiện nay. Chính vì vậy, tôi sẽ phải “lần mò” lên các trang web không tên tuổi, đa phần có tên miền .info, .tk, .go.to, .kiss.to… để tải.
Thời ấy, tải nhạc về từ những trang web như thế này là cả một quá trình gian nan, nhưng tôi buộc phải làm vì đây là cách duy nhất để có nhạc mà nghe
Tìm được trang web tải nhạc miễn phí, nhanh và đầy đủ đã khó, nhưng để thể tìm được một file nhạc “tử tế” là cả một quá trình gian nan. Tải một ca khúc này nhưng lại ra một ca khúc nọ, nghe được nửa bài thì tự dưng bị cắt cụt, hay xuyên suốt cả bài hát cứ có giọng ai thì thầm quảng cáo “Bạn đang nghe nhạc tại website…” là những vấn đề phổ biến nhất. Chứ còn, đòi hỏi file nhạc phải là MP3 chất lượng cao, hay đầy đủ ID3 Tag về ca sĩ, album là điều quá xa xỉ. MP3 128Kbps, thậm chí 64Kbps cũng được, bài hát của ca sĩ Unknown Artist thuộc album Unknown Album cũng chẳng sao… miễn là nghe tốt.
Thời gian trôi qua, tôi lớn lên và song song với đó là điều kiện về tài chính cũng khá khẩm hơn. Từ chiếc máy nghe nhạc MP3 Trung Quốc rẻ tiền ấy, tôi dần lên đời iPod Nano, iPod Touch và sau này là smartphone. Thiết bị thì cứ ngày một “xịn”, tuy nhiên lại có một thứ không thay đổi qua thời gian: tôi vẫn tải nhạc không bản quyền tại các website không tên tuổi.
Mọi thứ thay đổi vào đầu năm 2011, khi tôi vô tình được một người bạn nước ngoài mời sử dụng Spotify. Ở thời điểm hiện tại, Spotify đã là một dịch vụ quá phổ biến, tuy nhiên vào năm 2011 thì rất ít người biết đến nó, đặc biệt là tại Việt Nam. Cộng đồng sử dụng gần như không có, cộng thêm một vài rắc rối do dịch vụ này sinh ra dành cho các nước châu Âu (ví dụ như phải biết cách sử dụng VPN khi ở VN) khiến cho tôi gặp không ít khó khăn.
Ấy vậy mà sau 7 năm, tôi vẫn trung thành với Spotify mặc dù nó vẫn chưa chính thức đặt chân vào Việt Nam. 7 năm cũng là quãng thời gian mà tôi dừng hẳn việc tải nhạc bất hợp pháp. Rất nhiều người bạn của tôi cũng như vậy: mặc cho hàng loạt trở ngại (đặc biệt là về cách thức thanh toán), họ vẫn tìm đủ mọi cách để có thể sử dụng và trả tiền cho dịch vụ này.
Giao diện chính của Spotify trên máy tính
Vậy Spotify có gì mà đã khiến tôi và rất nhiều người khác “mê mệt” đến thế?
Sự tức thì
Âm nhạc đi đôi với cảm xúc, và cảm xúc thì luôn đến một cách bất chợt mà không chờ đợi ai cả. Chính vì vậy, âm nhạc cũng phải hòa vào cảm xúc một cách tức thì. Nếu như trước đây, mỗi khi muốn nghe một ca khúc, tôi sẽ phải mất cả chục phút để tìm một file nhạc chất lượng và sau đó tụt hết cảm xúc, thì nay với Spotify, tôi có thể truy cập hơn 40 triệu bài hát và tìm đúng bài hát mà tôi đang muốn nghe chỉ sau một vài giây.
Người dùng có thể nhanh chóng nghe tất cả các bài hát của một ca sỹ chỉ sau một câu lệnh tìm kiếm
Tốc độ stream cũng được cá nhân tôi đánh giá cao. Chọn một bài hát và chỉ cần 2 giây sau đó, nhạc đã nổi lên. Nên nhớ, Spotify vẫn là một dịch vụ nước ngoài và chưa tối ưu hóa cho hạ tầng mạng tại VN. Ngay cả trong những tình huống không lý tưởng như đứt cáp quang, Spotify vẫn cho tốc độ stream khá ổn định và nhanh hơn rất nhiều so với đối thủ Apple Music.
Ngoài ra, để có thể đạt được sự tức thì này, Spotify đã đầu tư rất nhiều vào các ứng dụng của mình trên các nền tảng khác nhau. Bên cạnh nền tảng lớn nhất là di động, Spotify còn có ứng dụng trên máy tính (Windows/Mac/Linux), console (PS4/Xbox One), Smart TV, loa thông minh (Amazon Alexa/Google Home) và đương nhiên là cả nền web. Cho dù bạn sử dụng thiết bị nào, khả năng cao là Spotify cũng sẽ hỗ trợ nó, cho phép bạn nhanh chóng truy cập vào kho nhạc này. Và, với tính năng Spotify Connect, bạn thậm chí còn có thể điều khiển nhạc ở đang phát ở một thiết bị này thông qua một thiết bị khác (ví dụ điều khiển nhạc đang phát ở PC bằng smartphone).
Tính năng Spotify Connect cho phép linh hoạt thay đổi, cũng như điều khiển các thiết bị phát
Một khía cạnh khác không thể bỏ qua khi xét đến yếu tố nhanh nhạy là tốc độ cập nhật nhạc mới. Do là một dịch vụ nhạc bản quyền và hợp tác cùng các hãng thu âm lớn, phần lớn các ca khúc thịnh hành trên thị trường đều xuất hiện gần như ngay lập tức trên Spotify. Đương nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ như với Taylor Swift hay các ca khúc VN (do Spotify chưa vào nước ta), tuy nhiên về cơ bản thì tôi nghĩ bạn sẽ không phải thất vọng.
Mặc dù Spotify chưa vào VN, nhưng phần lớn các ca khúc thịnh hành đều đã có mặt
Chất lượng
Người dùng có thể hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng mà Spotify mang lại. Bên cạnh việc không gặp phải những vấn đề như bài hát bị ngắt đoạn, sai thông tin… thì ưu thế lớn của các dịch vụ nhạc số chính thống là chất lượng âm thanh. Khi trả phí, người dùng sẽ có thể nghe và tải về các bài hát với chất lượng tương đương MP3 320Kbps, còn khi dùng gói miễn phí thì là 160Kbps, vẫn đủ để làm hài lòng đa số người dùng.
Lật sang yếu tố về nội dung, bên cạnh việc khai thác các ca khúc sẵn có, Spotify còn hợp tác với các nghệ sĩ để tạo ra những bản thu độc quyền dành riêng cho dịch vụ này, mang tên Spotify Sessions. Vượt qua ranh giới âm nhạc, Spotify còn có một lượng lớn podcast, audiobook thuộc nhiều thể loại khác nhau nhằm phục vụ cho mọi nhu cầu của người dùng.
Spotify Sessions – tuyển tập những ca khúc được nghệ sĩ thu trực tiếp dành riêng cho dịch vụ này
Bên cạnh âm nhạc, Spotify còn có một số nội dung khác như audiobooks hay podcasts
Kết nối
Như đã nói ở trên, giữa Spotify và nghệ sĩ có một mối quan hệ hợp tác rất gắn bó. Và, chính điều này đã giúp cho người dùng được hưởng những trải nghiệm mà không dịch vụ nào khác có được, ví dụ như lắng nghe những playlist do chính nghệ sĩ tạo ra và chia sẻ. Đây là một tình huống có lợi cho đôi bên, khi các fan có thể tìm hiểu và theo dõi nhiều hơn về nghệ sĩ, và ngược lại, nghệ sĩ lại có cơ hội gắn kết với các fan của mình hơn.
Không khó để bắt gặp những playlist như thế này trên Spotify. Đây là những playlist do chính nghệ sĩ (trong trường hợp này là The Weeknd) tự tay lựa chọn và chia sẻ
Ví dụ, đây là playlist bao gồm những ca khúc đã giúp The Weeknd tạo cảm hứng sáng tác nên album của anh. Qua những playlist như thế này, người hâm mộ có cơ hội được hiểu rõ hơn về The Weeknd, cũng như là cách mà anh tạo ra sản phẩm âm nhạc của mình
Thậm chí, không chỉ giới hạn ở các nghệ sĩ, do Spotify còn rất linh hoạt trong việc chia sẻ, nhiều cá nhân, tổ chức lớn cũng sử dụng nó như một kênh để kết nối với đối tượng người dùng của mình. Một ví dụ tiêu biểu là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lựa chọn Spotify để chia sẻ playlist về những ca khúc ông yêu thích, chứ không phải Apple Music.
Playlist do đích thân cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama lựa chọn
Tuy nhiên, có một phương diện khác thực tế hơn, đó là sự kết nối giữa chúng ta và những người mà chúng ta quen biết. Nhờ vào khả năng tích hợp vào Facebook, Spotify cho phép người dùng thấy được bạn bè của mình đang nghe ca khúc gì, và từ đó bạn có thể nghe cùng, phán đoán tâm trạng… hay ty tỷ thứ bạn có thể nghĩ ra. Đương nhiên, bạn cũng hoàn toàn có thể bảo vệ quyền riêng tư của mình và tắt tính năng này nếu muốn.
Nhờ khả năng tích hợp của Spotify với Facebook, bạn có thể xem bạn bè của mình đang nghe gì
Tính cá nhân
Mỗi người sẽ có một gu nhạc khác nhau, vì vậy, cùng một ca khúc bởi cùng một nghệ sĩ nhưng người yêu, người ghét là chuyện hết sức bình thường. Nhiệm vụ của một phần mềm như Spotify là không ép buộc người dùng phải nghe những thứ mà họ không thích, nhưng cùng lúc đó là phải khơi gợi ra những điều mới mà có thể sẽ khiến họ thay đổi. Và đây cũng là điểm mà Spotify rất mạnh.
Màn hình chính của Spotify luôn hiển thị những playlist mà người dùng có thể sẽ quan tâm, dựa trên các sự kiện xung quanh họ. Ví dụ, do đây là dịp chào đón năm mới, các playlist sôi động về năm mới sẽ được đặt lên đầu. Nhưng, ban ngày có thể là vậy, còn khi đêm về, các playlist nhẹ nhàng, giúp người dùng tập trung làm việc hay có một giấc ngủ sâu sẽ được ưu tiên.
Nếu bạn là người như tôi và thường làm việc vào ban đêm, khi bạn khởi động Spotify vào lúc này, bạn sẽ thấy những playlist mang tính thư thái, nhẹ nhàng được gợi ý lên đầu
Spotify được thiết kế để khuyến khích người dùng luôn đi tìm những cái mới. Tính năng Radio cho phép người dùng chọn một ca khúc, album, playlist hay thể loại, và Spotify sẽ sử dụng thuật toán của mình để tự động chơi các ca khúc cùng chủ đề. Thậm chí, không cần người dùng phải chỉ định, tính năng này sẽ tự động được kích hoạt mỗi khi một playlist kết thúc.
Nếu như bạn thích một ca khúc (ví dụ như Hello của Adele) và muốn nghe nhiều ca khúc như vậy, bạn chỉ cần gõ tên ca khúc này vào tính năng Radio của Spotify và nó sẽ tự động đưa ra một playlist gồm những ca khúc tương tự như vậy
Thứ hai hàng tuần, Spotify gửi đến người dùng một playlist riêng mang tên “Discover Weekly”. Đây là playlist dành riêng cho mỗi người dùng (tức là không ai giống ai), tuyển chọn những ca khúc mà có thể bạn sẽ thích, được thuật toán lựa chọn dựa trên những gì mà bạn hay nghe. Tương tự như vậy, thứ sáu hàng tuần, một playlist khác mang tên “Release Radar” cũng sẽ được Spotify gửi đến bạn, tuyển tập các ca khúc mới đến từ các nghệ sĩ mà bạn yêu thích.
Hai playlist “Release Radar” và “Discover Weekly” được Spotify gửi đến người dùng hàng tuần, gồm những ca khúc mới mà có thể bạn sẽ thích, dựa trên gu nhạc của bạn
Trên đây là những cách Spotify khuyến khích người dùng nghe những ca khúc mới, còn trong trường hợp người dùng muốn chủ động khám phá, họ cũng có thể truy cập vào mục “Discover” để xem những gợi ý về album, hay ca sĩ mà họ có thể thích. Trong mỗi trang của một nghệ sĩ cũng luôn có phần “Related Artists”, hiển thị danh sách những nghệ sĩ tương tự.
Mục Discover của Spotify sẽ liệt kê những album hay ca sĩ mà có thể bạn sẽ thích
Cảm giác tuyệt vời
Bạn có nhớ cảm giác khi lần đầu được mua món đồ mình thích bằng chính đồng tiền mình làm ra, chứ không phải là tiền của bố mẹ? Trả tiền cho âm nhạc cũng như vậy, chỉ khác rằng cảm giác ấy tuyệt hơn rất nhiều. Bố mẹ có thể tự nguyện đưa cho chúng ta tiền để tiêu, nhưng không một nghệ sỹ nào lại cho không chúng ta tác phẩm nghệ thuật của mình – mà chỉ có chúng ta đang ăn cắp nó từ chính tay người nghệ sỹ ấy. Và, cái cảm giác ấy, khi chúng ta bắt đầu trả tiền cho âm nhạc, khi chúng ta cuối cùng cũng được “hoàn lương”, thật là tuyệt vời.
Thế nhưng, đừng nghĩ rằng trả tiền cho âm nhạc là một thứ nghĩa vụ mà bạn buộc phải tuân theo. Ở kỷ nguyên số hiện nay, nghệ sỹ coi các dịch vụ âm nhạc trực tuyến như một công cụ hữu hiệu để lôi kéo người nghe, chứ không phải là nguồn thu nhập chính của họ. Nếu chỉ dựa vào Spotify và các dịch vụ stream nhạc, các nghệ sĩ có lẽ đã “sạt nghiệp” từ lâu.
La Roux – một nhóm nhạc khá nổi tiếng từng chia sẻ vào năm 2015 rằng khoản thu nhập từ việc stream nhạc trong 1 quý của họ chỉ là … 100 bảng Anh. Chưa rõ đây có phải là một sự “nói quá” hay không, chỉ biết rằng tình trạng Spotify chi trả khá thấp cho nghệ sĩ là có thật
Mà, chính sự nổi tiếng mà các nghệ sĩ có được từ việc đưa sản phẩm âm nhạc của mình lên các dịch vụ stream nhạc với giá “rẻ như cho không” đã khiến cho họ có thêm nhiều fan hơn, từ đó chuyển hóa thành những buổi concert với giá vé cao nhưng vẫn đông nghịt người, hay những hợp đồng quảng cáo triệu đô với các nhãn hàng lớn. Đây mới là nguồn thu chính của họ. Vậy nên, đừng buồn nếu như vì một lý do nào đó mà bạn chưa thể sẵn sàng bỏ tiền cho âm nhạc.
Thay vì lo cho những thứ viển vông, có lẽ hãy suy nghĩ thực tế hơn một chút: Người ta chỉ trả tiền cho những thứ đem lại lợi ích cho chính bản thân họ. Trả tiền cho Spotify hay bất kỳ dịch vụ âm nhạc nào khác rõ ràng là cách để bạn ủng hộ nghệ sĩ, nhưng quan trọng hơn, nó đem lại rất nhiều lợi ích cho chính bản thân bạn. Từ sự tiện lợi, nhanh chóng và chất lượng mà nó đem lại, cho đến việc biết đến những ca khúc mới mà thông thường bạn sẽ không bao giờ có thời gian để tự mình đi tìm hiểu, đây quả thực là một khoản đầu tư rất đáng giá, đặc biệt khi xét đến vai trò của âm nhạc trong đời sống con người.
Ủng hộ nghệ sĩ chỉ là một phần, điều quan trọng là các dịch vụ nhạc trả phí hiện nay cho một trải nghiệm tốt hơn rất nhiều so với việc nghe “chùa” và hoàn toàn xứng đáng so với số tiền bạn bỏ ra.
Nói đến vai trò của âm nhạc, có thể bạn coi nó là một thứ giải trí tiêu khiển. Nhưng, với tôi, và tôi tin rằng rất nhiều người khác cũng vậy, âm nhạc có thể coi là một người bạn. Một người bạn trung thành mà sẽ không bao giờ phản lại, một người bạn sẽ luôn sẵn sàng tiếp đón và đồng cảm với chúng ta bất kể khi vui hay buồn. Nếu như bạn sẵn sàng bỏ tiền để café, để du lịch, để “mua” những giây phút hạnh phúc cùng bạn bè của mình, thì tôi tin rằng, bạn cũng sẽ sẵn sàng làm như vậy với âm nhạc.
Như để kết thúc bài viết này và bày tỏ niềm trân trọng với sự kỳ diệu của âm nhạc và ảnh hưởng của nó với cuộc sống, tôi xin trích xuất một đoạn trong một ca khúc đến từ một nhóm nhạc mà tôi rất yêu thích và đã tạo cho tôi rất nhiều cảm hứng, đó là ABBA và
“Thank You For The Music”.
Thank you for the music, the songs I’m singing
Thanks for all the joy they’re bringing
Who can live without it, I ask in all honesty
What would life be?
Without a song or a dance what are we?
So I say thank you for the music
For giving it to me
Theo Bình Minh – Trí Thức Trẻ