3 năm sau ngày ra mắt, AirPods đã trở thành một biểu tượng của thời đại tai nghe không dây. Thế hệ thứ 2 nhận được nhiều cải thiện trên giấy tờ, nhưng hãy tìm hiểu thật kỹ để biết đây có phải là chiếc True Wireless dành cho bạn hay không.

Thiết kế: Bình cũ giữ nguyên vẹn

Thiết kế hai tai không có gì thay đổi so với thế hệ trước.

Thành công của AirPods là không cần phải bàn cãi: một nghiên cứu do Counterpoint thực hiện cho biết mẫu tai nghe này đã giúp Apple chiếm tới 60% thị phần tai nghe True Wireless. Có lẽ bởi vậy mà AirPods 2019 không mang đến thay đổi đáng kể nào về mặt thiết kế cả. Vẫn là củ tai màu trắng, vẫn là hộp đựng bo tròn. Đeo lên tai, hai thỏi pin vẫn “thò” ra ngoài: 3 năm trước, nhiều người có thể thấy buồn cười, nhưng đến năm 2019 thì có lẽ tất cả đều đã quen với thiết kế hơi kỳ cục này.

 

Điểm mạnh rõ rệt nhất của thiết kế AirPods là mức độ thoải mái bậc nhất: tai nghe rất nhẹ và có lẽ sẽ vừa vặn với phần lớn tai người Việt. Kiểu dáng earbuds “bo tròn” vừa giúp AirPods khó rơi hơn những chiếc tai nghe earbuds khác, vừa không gây khó chịu khi sử dụng lâu dài. Mức độ dễ chịu cũng vượt trội hơn hẳn in-ears, do tai người dùng sẽ không bị bịt kín khi sử dụng.

Hộp đựng đi kèm nay đã có thể sạc không dây.

Chất lượng gia công của AirPods không có gì để chê trách. Cả 2 bên tai đều nhẹ nhưng vẫn tạo cảm giác chắc chắn, trau chuốt trên từng đường nét chứ không nguệch ngoạc như hàng nhái của Trung Quốc. Hộp đựng cứng cáp, khi đóng mở cũng tạo tiếng “tách” rất đã tai. Chỉ đáng tiếc rằng Apple đã lười biếng không thêm bất kỳ một chi tiết thiết kế hay một màu mới nào cả. Vì vậy, nếu bạn mua AirPods để trở nên nổi bật hay để tận hưởng chất âm, có lẽ bạn nên nghiên cứu những chiếc tai nghe khác.

Chất âm: Không dành cho dân chơi

Đúng vậy, ở mức giá hơn 6 triệu đồng, AirPods quả thật không dành cho người chơi âm thanh. Ngay từ khi ra mắt nhiều người đã biết rằng những chiếc tai nghe này về bản chất chỉ là EarPods cắt dây, và chất âm thể hiện chính xác nhận định đó: EarPods nghe như thế nào, AirPods gần giống vậy.

Không phải tai audiophile: EarPods nghe thế nào, AirPods gần như giống hệt.

 

Đó không phải là chất âm tệ đến mức không chấp nhận được. Thực tế, những thay đổi được Apple thực hiện trên EarPods đã giúp tạo ra chất âm vượt trội hơn hẳn tai nghe “tặng kèm” của iPod hay các mẫu máy nghe mp3 của thập niên trước: củ tai tròn tiếp xúc với tai giúp tạo nhiều bass hơn, trong lúc vẫn giữ được chất âm tương đối thoáng đãng và trong trẻo đặc trưng của earbuds. Tổng thể, AirPods vẫn có chất âm dễ nghe, không bị lùng bùng hay chói gắt, hơi ấm và mịn ở dải trầm và trung âm.

Nhưng cùng một giá tiền, những chiếc True Wireless từ Sony hay Sennheiser vẫn có thể dễ dàng đánh bại AirPods. Cuối cùng thì tai nghe True Wireless của Apple vẫn thừa hưởng âm thanh từ một chiếc tai nghe tặng kèm, và bởi thế vẫn sở hữu đầy đủ những điểm yếu như kém chi tiết, âm trường hẹp, dải trung-cao (high-mids) có phần bị méo nhẹ.

Tiện dụng và trau chuốt

May mắn là chẳng mấy ai mua đồ Apple để thỏa mãn nhu cầu âm thanh. Người ta mua AirPods vì trải nghiệm tuyệt vời, và quả thật trên khía cạnh này Apple vẫn là số 1.

Hãy cùng bắt đầu bằng trải nghiệm kết nối cực kỳ dễ dàng được thừa hưởng từ AirPods 2016: người dùng chỉ cần đưa tai nghe lại gần iPhone/iPad rồi chạm nút xác nhận trên màn hình. Một khi đã kết nối với iPhone chẳng hạn, người dùng có thể lựa chọn phát nhạc trực tiếp từ iPad hay MacBook sang AirPods mà không cần ghép đôi lại lần nữa. Đây là tính năng chỉ duy nhất Apple có thể thực hiện được, vì con chip H1 giúp cho AirPods ghép đôi với tài khoản iCloud thay vì với từng thiết bị. Đối với Android và Windows, người dùng thường sẽ phải gỡ kết nối khỏi thiết bị đang phát rồi kết nối lại với thiết bị khác, gây bất tiện và rối rắm.

Apple đã nghĩ đến mọi yếu tố trong quá trình sử dụng: tháo một bên tai là nhạc tự ngừng.

Những tính năng nhỏ bé khác giúp tạo ra một trải nghiệm hoàn thiện về mọi mặt. Ứng dụng nhạc sẽ tự động ngừng khi bạn tháo một bên tai và tự động chơi khi người dùng đã đeo cả hai tai. Nhận/dừng cuộc gọi có thể thực hiện qua nút bấm cảm ứng trên cả 2 bên tai. Siri nay đã luôn lắng nghe câu lệnh “Hey Siri” để kích hoạt, thay vì chỉ kích hoạt qua nút bấm cảm ứng như trước. Nếu quen dùng trợ lý ảo này bạn sẽ thấy trải nghiệm trên AirPods tiện dụng hơn hẳn so với iPhone, đặc biệt là khi hỏi thông tin thời tiết, để kích hoạt cuộc gọi hay để chuyển bài hát mà không cần mở màn hình điện thoại. Chỉ tiếc rằng Siri hiện vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt.

Một trải nghiệm hoàn thiện

Có lẽ vì không tối ưu cho nghe nhạc nên AirPods rất… tuyệt vời cho mục đích nghe/gọi. Dù là qua mạng di động hay qua các ứng dụng như Skype hoặc Whatsapp, đôi earbuds vẫn luôn thu lại giọng nói trong trẻo từ người đeo. Mic xử lý khử ồn cũng khá tốt, để lọt rất ít tiếng nói chuyện lâm râm trong không gian văn phòng mở.

Thời lượng pin vừa đủ cho một buổi sáng hoặc buổi chiều tại công ty.

Thời lượng pin trên AirPods 2 không có sự thay đổi dễ nhận biết so với AirPods 1, tức là vẫn rất tốt. Mỗi lần sử dụng, hai bên tai vừa đủ cho một buổi làm việc của người viết – khoảng 4 tiếng rưỡi. Tuy vậy, tình huống AirPods bị đẩy đến giới hạn là rất hiếm khi xảy ra, vì hộp đựng có thể tiếp thêm cho 2 bên tai khoảng 24 giờ pin khi cất. Vì viên pin trong từng bên tai rất nhỏ nên chỉ cần bỏ vào khoảng 15 phút hay nửa tiếng là đã có thể dùng được thêm 2, 3 giờ.

Một điểm nhấn đáng khen ngợi khác là hộp đựng nay đã có sạc không dây. Tính năng này sẽ cho phép AirPods có thời lượng pin gần như… bất tử, miễn là bạn tạo được thói quen luôn đặt hộp đựng lên đế sạc (chuẩn Qi) khi không dùng. Đầu tư vào đế sạc Qi là hoàn toàn xứng đáng, đặc biệt nếu bạn đang dùng iPhone 8 hoặc một trong các mẫu iPhone dòng X.

Mức độ ổn định vượt trội so với các dòng True Wireless khác.

Quan trọng nhất, mức độ ổn định của AirPods hoàn toàn vượt trội so với Sony WF-1000X hay Samsung Galaxy Buds. Trong thử nghiệm của chúng tôi, 2 bên tai không hề đứt kết nối dù chỉ một lần. AirPods cũng không hề đứt kết nối với iPhone hay iPad dù đang trong môi trường làm việc công nghệ cao, tràn ngập sóng Wi-Fi và Bluetooth cùng tần số 2.4GHz. Độ trễ khi xem phim hay chơi game cùng thiết bị mác Táo được giảm thiểu tối đa và gần như không thể cảm nhận được.

Bạn có dùng hàng Táo?

Trước khi chọn AirPods, hãy chắc chắn một điều: phải kết hợp với càng nhiều iDevice càng tốt thì AirPods mới phát huy hết tác dụng. Khi dùng AirPods với laptop HP dv15 qua kết nối Bluetooth, tiếng súng nổ được phát đi khoảng nửa giây sau khi nhấn chuột. Khi dùng AirPods với Galaxy S10, nhạc vẫn sẽ tiếp tục chơi khi bạn đã tháo một bên tai. Người dùng Android gần như không có lý do gì để chọn AirPods cả.

Ở phía ngược lại, được kết hợp cùng iPhone, iPad hay Mac, trải nghiệm AirPods cho thấy thị phần áp đảo của Apple trên lĩnh vực True Wireless là hoàn toàn xứng đáng. Ở mức giá đắt đỏ, AirPods không chinh phục về chất âm nhưng đem lại trải nghiệm hoàn thiện và tiện dụng trên mọi khía cạnh. Đây là lựa chọn True Wireless nếu bạn muốn một cặp tai nghe có thể giúp ích cho mình mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là trong quá trình làm việc hàng ngày.

Điểm mạnh:

+ Gọn nhẹ, thoải mái khi đeo.

+ Pin sử dụng được lâu, có sạc không dây.

+ Trải nghiệm sử dụng được trau chuốt về mọi mặt.

Điểm yếu:

– Âm thanh “tai đính kèm” ở mức giá khá cao.

Theo VnReview

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here