Amply là một thiết bị âm thanh phổ biến mà chúng ta có thể bắt gặp ở nhiều nơi. Với một người chơi âm thanh, bất kể là loa hay là tai nghe thì amply vô cùng quan trọng trong việc phối ghép một hệ thống nghe. Khi lựa chọn một chiếc Amply cho loa hay là một chiếc mini Amply cho headphones thì việc đọc thông số để lựa chọn cho phù hợp là rất quan trọng, và hơn thế nữa, hiểu và nắm rõ bản chất của các thông số là điều cần thiết mà một người chơi âm thanh phải có. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những thông số trên một chiếc Amply.
CÔNG SUẤT
CÔNG SUẤT AMPLI PHÁT RA TÍNH THEO ĐƠN VỊ RMS. CẦN PHÂN BIỆT VỚI CÔNG SUẤT ĐỈNH PMPO LỚN HƠN RẤT NHIỀU VỚI CÔNG SUẤT HOẠT ĐỘNG CỦA AMPLI (MỘT SỐ NHÀ SẢN XUẤT QUẢNG CÁO CÔNG SUẤT PMPO RẤT LỚN LÊN TỚI HÀNG NGHÌN W NHƯNG THỰC TẾ CÔNG SUẤT HIỆU DỤNG LẠI RẤT THẤP).
RMS là thuật ngữ viết tắt của Root Mean Square, tức ‘trung bình nhân’. Đây là một thông số tính toán mức công suất trung bình tạo ra liên tục trong một khoản thời gian. Đánh giá công suất ampli mạnh hay yếu không phải đo tại một thời điểm nhất thời và phải tính trung bình từ nhiều mẫu khác nhau trong một chuỗi thời gian. Chung quy lại, đây là một thông số quan trọng cần phải lưu ý khi chọn Amply, còn P.M.P.O (Peak Music Power Output , công suất cực đại) không phải là yếu tố khẳng định độ mạnh – yếu của một chiếc Amply.
ĐỘ LỢI CÔNG SUẤT (GAIN).
Tỷ số tính theo hàm logarit giữa công suất đầu vào và công suất đầu ra của ampli, có đơn vị là dB. Độ lợi thể hiện khả năng khuyếch đại của ampli.
Amly đèn dùng cho loa
ĐÁP ỨNG TẦN SỐ (FREQUENCY RESPONSE).
Đây là thông số mô tả khoảng tần số tín hiệu đầu vào mà ampli hoạt động ổn định tuyến tính. Thông thường các ampli tốt có đáp ứng tần số trong từ 20Hz đến 20kHz là khoảng âm thanh tai người có thể cảm nhận được. Đáp ứng tần số càng “phẳng” sẽ thể hiện khả năng tái tạo âm thanh càng tốt.
HIỆU SUẤT (EFFICIENCY)
Khả năng đưa ra công suất âm thanh theo công suất đầu vào của ampli. Khi cung cấp công suất điện cho ampli, chỉ một phần được khuyếch đại ra công suất âm thanh. Các ampli có thiết kế nguyên lý classA có hiệu suất thấp từ 10% đến 25% (điều đó có nghĩa khi bạn cung cấp 100W điện tới ampli chỉ có 25W công suất âm thanh được phát ra), class AB có hiệu suất 35 đến 50%, class D có hiệu suất 85-90%.
MÉO HÀI TỔNG (THD)
So sánh tổng hài các tần số giữa tín hiệu đầu vào và âm thanh đầu ra sau khi qua ampli. Các hài bậc cao sẽ gây méo và làm giảm tính trung thực của âm thanh vì vậy THD càng thấp thì ampli càng tái tạo âm thanh trung thực, thông thường THD phải nhỏ hơn 0,5%.
TRỞ KHÁNG RA (OUTPUT IMPEDANCE).
Trở kháng ra của ngõ ampli ra loa. Khi ghép nối ampli phải cùng trở kháng của loa, thông thường khi trở kháng loa giảm một nửa thì công suất ampli cần tăng gấp đôi nếu ghép nối lệch trở kháng.
Một chiếc DIY Amply
PHÂN BIỆT OTL VÀ OPT
OTL là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Output Transformer Less (tạm dịch: không dùng biến thế xuất âm). Mạch OTL đầu tiên được cấp bằng sáng chế là do kỹ sư Julius Futterman người Mỹ phát minh năm 1954. Sau đó, mạch điện này đã có nhiều biến thể và một thời từng khá thịnh hành trong công nghiệp chế tạo các thiết bị dùng đèn điện tử. Cho đến khi bán dẫn ra đời, OTL gần như biến mất, không được ai sử dụng, do việc dùng nó “tốn” quá nhiều bóng và hiệu suất thấp.
Bóng đèn điện tử chân không là linh kiện có nội trở cao, hoạt động trong điều kiện điện áp cao và dòng điện thấp. Chính vì những đặc tính đó của đèn điện tử, để tăng dòng và phối hợp trở kháng với các thiết bị có trở kháng thấp và dòng điện cao như loa, người ta phải dùng biến thế hạ áp ở đầu ra, được gọi nôm na là biến thế xuất âm. Biến thế xuất âm (OPT) được các tín đồ âm thanh ưa chuộng vì nó tạo ra hài âm bậc chẵn vốn là loại âm thanh khá nhạy cảm với tai người, khuếch đại những những tiếng lóc cóc, leng keng và các chi tiết vi mô của bản nhạc.
Amply đèn đang dần trở thành một phong trào trong giới chơi âm thanh
Song, ưu điểm đối với người này lại là nhược điểm đối với người khác. Những người theo trường phái trọng kỹ thuật không thích OPT vì nó sinh ra hiện tượng méo âm, làm hạn chế băng thông và dải động của âm thanh. Họ cho rằng OTL là một lựa chọn đúng hơn so với việc dùng OPT. Do không phải đi qua một linh kiện to lớn, cồng kềnh với các cuộn dây rất nhiều vòng ở đầu ra, mạch điện OTL có thể khắc phục một số nhược điểm của mạch điện dùng OPT, như tốc độ, cường độ, dải động của âm thanh. Đặc biệt, băng thông của OTL cực rộng, có thể lên tới hàng trăm KHz chứ không bị suy giảm ở khoảng tần số mười mấy KHz như đối với OPT. Chính vì thế, những năm gần đây, thiết kế OTL lại xuất hiện trở lại trong nhiều sản phẩm hi-end và được dân chơi âm thanh nồng nhiệt đón nhận