Những cặp tai nghe không dây hoàn toàn (true wireless) có giá thành sản xuất cao, kéo theo là giá bán tới tay người dùng cũng không hề rẻ. Ít có sản phẩm nào loại này có giá gần với mốc 1 triệu đồng, chứ đừng nói là rẻ hơn, nhưng điều đó không ngăn các hãng Trung Quốc ‘thử’. Như cặp QCY Q29 chúng ta tìm hiểu ngày hôm nay, với cái mác 600.000 đồng nhìn rất ‘đáng ngờ’!
Mở hộp
Cách đóng hộp của sản phẩm cũng không quá tệ, với chiếc hộp làm từ bìa cứng, đến tay mình chưa bị móp méo chút nào.
Bên trong thậm chí còn được đệm bông dày nhìn cũng cao cấp! Các phụ kiện còn được đặt vào ngăn riêng, thay vì được nhét hết vào túi nilon giống các cặp tai ở tầm giá rẻ.
Phần hộp sạc được thiết kế nhỏ nhắn, như một
phong kẹo Alpenliebe với phần nắp trong suốt. Nắp này không có lẫy bấm, nên ta phải dùng ngón tay “gẩy” ra, cho cảm giác kém sang nhưng cũng không quá tệ! Phần hộp có màu giống với tai nghe bên trong, bản mình sử dụng có
màu café kem rất “xì tin”, nhìn đẹp và cũng khác biệt so với màu đen trắng của các cặp tai nghe cùng loại.
Tai nghe được đặt trong hộp bằng ma sát, cũng khá chặt, nhưng mình thích những hộp sạc có nam châm hơn, rút ra cho vào tiện dụng và cũng khó rơi tai hơn. Hộp này nhìn chung không cho cảm giác “hi-tech”, cơ mà với cái giá 600.000 vnđ của tai nghe thì có lẽ ta cũng không thể đòi hỏi thêm.
Thời lượng nghe nhạc của QCY Q29 rơi vào khoảng 3 tiếng, và hộp sạc có thể cung cấp thêm 3 lần sạc nữa với viên pin 220mAh, nâng tổng thời lượng lên 12 tiếng. 12 tiếng là không nhiều, kém hơn so với các cặp tai nghe cùng loại và chỉ bằng 1 nửa so với cặp tai nghe được lấy ra làm tiêu chuẩn cho các sản phẩm cùng loại là Apple AirPods. Nhưng với tần suất sử dụng 1 – 1 tiếng 30 phút một ngày, mình chỉ sạc tai nghe 1 tuần 1 lần nên thời lượng pin không phải là nhược điểm lớn.
Bộ phụ kiện của
Q29 có dây sạc micro USB (loại dẹt, ngắn) cùng 2 miếng đệm tai cao su. Những miếng đệm này dày một cách bất ngờ, nên cũng cho cảm giác cao cấp hơn so với các loại đệm mỏng như tờ giấy của cặp Xiaomi Youth trước mình dùng.
Về thiết kế
‘Hoàn thiện cao một cách bất ngờ’ là từ chúng ta cũng có thể dùng để miêu tả phần đeo tai.
QCY Q29 tất nhiên là được làm bằng nhựa, nhưng là loại nhựa có chất lượng cao và cũng được đổ khuôn khá là dày dặn. Mặt ngoài của tai nghe là 2 nút bấm dùng để chuyển bài hát và nhận cuộc gọi, có lực bấm vừa đủ nhẹ để không gây cấn lúc sử dụng.
“Thể tích” của phần đeo tai lớn vì đặt đủ các thể loại thành phần điện tử bên trong, nhưng được làm theo kiểu thuôn dài ra ngoài nên cả những người có vành tai nhỏ cũng đeo được. Nhựa của tai mềm và mượt, nền nhìn chung đeo trên tai cũng êm!
Không bất cứ web nào nói về vấn đề liệu cặp tai nghe này có khả năng chống nước hay không, nên ta có thể khẳng định rằng nó không có. Ngoại trừ điểm đó, thì mình đánh giá cao chất lượng hoàn thiện vỏ ngoài của
Q29, tránh được ‘lời nguyền’ thiết kế mỏng manh mà xấu xí của các sản phẩm đến từ Trung Hoa anh hùng!
Thông số kĩ thuật
- – Màng loa Dynamic
- – Dải tần: 20Hz – 20.000Hz
- – Bluetooth v4.1
- – Thời gian chờ: 70 tiếng
- – Thời gian chơi nhạc (độc lập): 3 tiếng
- – Thời gian chơi nhạc (với hộp sạc): 12 tiếng
Cách kết nối của cặp tai nghe này cũng rất đơn giản, chỉ cần bật 2 bên tai bằng cách nhấn giữ nút mặt ngoài, và sau đó là có thể bắt đầu kết nối với nguồn phát. Tai cũng có phản hồi bằng giọng nói nhưng toàn là tiếng Trung nên mình chả hiểu ‘mô tê’ gì hết, sau 1 vài vòng Google thì mình tìm thấy một vài cửa hàng bán bản ‘Quốc tế’? Chẳng lẽ mình không may mua phải bản nội địa chăng?
Trải nghiệm thực tế
Mình đã ‘thở phào nhẹ nhõm’ khi thử Q29 để xem video: tai nghe có độ trễ nằm ở mức chấp nhận được. Tất nhiên, nó không thể bằng được các cặp tai nghe có dây hoặc không dây dạng trùm đầu, nhưng thuộc dạng tốt so với các cặp tai true-wireless. Chính vì thế nên ngoài việc dùng để nghe nhạc ngoài đường, người dùng có thể dùng Q29 để xem phim, xem video và chơi game. Đây là một ưu điểm lớn, vì thậm chí có những cặp tai nghe đắt tiền hơn rất nhiều mà vẫn dính lỗi lag âm khi kết nối.
Q29 có kiểu thể hiện âm thanh rất ‘tiêu chuẩn’ cho một cặp tai nghe không dây ở tầm giá thấp và trung: đi theo hướng nghe tạp, với tất cả các dải đều nhẹ nhàng và hơi ấm để tạo ra sự dễ nghe. Độ chi tiết của tổng thể âm thanh tất nhiên chỉ dừng lại ở mức trung bình, vừa đủ nghe và để mọi thành phần không bị chìm quá mà thôi, không có cửa để so với các cặp tai nghe không dây ở tầm giá trên 1 triệu đồng.
Phần trầm có lượng đủ dùng, đầy đặn và có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của những bạn thích nghe nhạc Dance, Pop. Đa phần âm trầm nằm ở dải trầm trung (mid-bass) nên cũng hơi ứ (bloat) nhẹ nhưng cũng không quá tệ, cùng với tốc độ ngắt được đúng lúc nên kể cả khi nghe các bài nhạc nhẹ cũng không dồn ép dải trung. Cá nhân mình thích kiểu thể hiện âm trầm này hơn so với các cặp có âm thanh kiểu V-shape nặng, nhất là trong việc xem phim vì làm cho tổng thể âm dịu hơn, nghe lâu không bị mệt tai.
Giọng ca sĩ của
Q29 được đẩy lùi nhẹ về phía sau, cũng như ngả về hướng tối. Từ ‘dịu’ vẫn có thể sử dụng để miêu tả kiểu thể hiện giọng ca sĩ này, nó đều đặn từ dưới lên trên và không có điểm khó nghe nào. Phần trung cao (high-mid) được làm nhẹ đi, roll-off sớm nên không để lại sibalance, song cũng có ảnh hưởng tới việc tái tạo các giọng ca sĩ nữ dãy soprano như
Celine Dion, Mariah Carey. Giọng trung này có vẻ hợp nhất với việc nghe Pop (như âm trầm), hoặc các giọng ca sĩ thấp và có kiểu hát từ tốn như
Norah Jones hay
Lê Cát Trọng Lý.
Điểm yếu nhất của cặp tai nghe nằm ở dải cao, nhưng không phải vì nó ít lượng và bị chìm như các cặp tai nghe giá rẻ khác. Thử với bài
Take me to church của
Hozier, ta thấy âm cao của
QCY Q29 lên đủ cao, lượng không hề tệ chút nào, nhưng bị làm rất mỏng và bị tắt quá sớm (tốc độ tan – decay nhanh). Âm cao này hơi hụt hẫng, vì nó cho người dùng cảm giác chưa ‘lên’ đã phải ‘xuống’ luôn rồi! Ta cũng có thể cải thiện phần nào tình trạng này bằng EQ, tăng đoạn ‘treble’ lên để nó cân bằng so với các dải khác, nhưng đây vẫn là giải pháp tạm thời và không thể thay thế được một âm cao ‘chất’ thực sự.
Lời kết
Để đưa tới người dùng một cặp tai không dây hoàn toàn ở mức giá chỉ 600 ngàn Đồng, QCY cũng đã phải thỏa hiệp trong việc thiết kế nên Q29. Cặp tai nghe này phần hộp sạc không nam châm, không lẫy bấm, phần đeo tai thì không hề có chống nước, thời lượng nghe nhạc chỉ nằm ở mức trung bình. Nhưng ngược lại, những ưu điểm của tai nghe cũng không nhỏ khi có chất lượng hoàn thiện tốt, đeo thoải mái, độ trễ rất thấp và một chất âm êm ái, dễ nghe.
Có thỏa hiệp, có cắt giảm, nhưng mình vẫn có thể bỏ qua được những điểm đó khi giá bán của
Q29 chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/6 các cặp tai cùng loại.
Ưu điểm
- – Mức giá rất dễ tiếp cận
- – Chất lượng hoàn thiện vỏ ngoài tốt
- – Đeo thoải mái, không tạo cảm giác cấn
- – Quá trình kết nối đơn giản, dễ dùng
- – Độ trễ rất thấp nên có thể dùng để xem phim
- – Chất âm ấm và dễ nghe
Nhược điểm
- – Hộp sạc thiếu nam châm và lẫy bấm
- – Không có bất cứ chuẩn chống nước nào
- – Thời lượng nghe nhạc dừng lại ở mức đủ dùng
- – Âm cao bị mỏng và tan quá nhanh
Theo Genk