4 sai lầm có thể giết chết tai nghe và cả DAC/Amp của bạn

0
1607

Chơi tai nghe là một cuộc chơi không ngừng nghỉ, không có khái niệm “tai nghe tuyệt vời nhất” và cũng luôn đòi hỏi các audiophile phải liên tục tìm tòi. Thế nhưng, một số bài học trong quá trình chơi tai nghe sẽ là đặc biệt đắt giá. Sau đây là 4 sai lầm điển hình nhất, tai hại nhất của thú chơi tai nghe.

1. Cắm hoặc tháo “nóng” tai nghe ra khỏi ampli khi đang nghe nhạc

Theo kinh nghiệm tư vấn của chúng tôi, sai lầm siêu căn bản này phổ biến một cách đáng ngạc nhiên trong giới chơi tai nghe tầm trung và thậm chí là với cả người chơi tầm cao.

Bản chất của sai lầm này là ở chỗ mỗi combo nghe nhạc đều là một hệ thống với nhiều thành phần kết nối để dòng điện đi qua. Do đó, khi đột ngột tách rời một thành phần quan trọng như tai nghe trong lúc vẫn đang chơi nhạc (có dòng điện đi qua hệ thống), bạn hoàn toàn có thể gây “sốc điện” cho hệ thống này dẫn tới hiện tượng cháy nổ dẫn tới hỏng amp, tai nghe hoặc cả hai.

Dĩ nhiên, những chiếc tai nghe trở thấp phối ghép cùng những chiếc amp gain thấp sẽ không bị hư hại nặng nề như những chiếc tai nghe trở cao/khó kéo. Điều này có nghĩa rằng bạn không cần phải quá lo lắng nếu cắm/tháo “nóng” tai Grado vào amp O2, nhưng bạn chắc hẳn sẽ không thích những tiếng loẹt xoẹt khi cắm tai nghe vào một bộ amp vẫn đang bật nhạc. Với những chiếc tai nghe trở cao như HD600, HD650 hoặc những chiếc tai nghe khó kéo vì độ nhạy thấp như dòng AKG K7, hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều.

Giải pháp: Hãy vặn núm chỉnh volume về 0 trước khi cắm hoặc tháo tai nghe. Nhấn nút Stop trên trình nghe nhạc hoặc chọn nút mute tiếng nếu ampli của bạn không có chiết áp vật lý. Áp dụng nguyên tắc này ngay cả với những chiếc tai nghe trở thấp để tạo thành thói quen tốt, vì chỉ một lần sai lầm bạn chắc chắn sẽ phải ôm mối hận có trị giá… hàng triệu đồng.

2. Tháo hoặc cắm tai nghe khi ampli đang bật (hoặc… tắt)

Thực chất, đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Có những người cho rằng bạn cần phải bật ampli (ở chiết áp mức 0) rồi mới cắm tai nghe. Những người khác cho rằng bạn phải kết nối tai nghe rồi mới bật ampli.

Vấn đề này không có giải pháp đúng tuyệt đối. Nếu thường xuyên sử dụng kiểu kết nối tai nghe rồi mới bật ampli bạn sẽ nghe thấy những tiếng “bụp” nhỏ vào thời điểm bật amp. Tiếng “bụp” này có thể gây hư hại cho tai nghe của bạn: chiếc ampli Asgard của Schiit đã từng gặp phải scandal vì phá hỏng driver của AKG K702 sau khi người dùng bật Asgard khi đã cắm K702. Lý do là đội ngũ của Schiit đã cẩu thả tới mức không thiết kế bộ phận muting relay cho ampli của mình, gây ra sự cố tai hại nói trên.

Ngay đến cả AKG cũng phải tham gia vào vụ việc này để quy kết trách nhiệm rõ ràng cho Schiit. Nhưng do Schiit là một nhà tài trợ của diễn đàn head-fi, công ty này còn gây sức ép để “ban” người vạch ra lỗi của mình là nwAVguy ra khỏi diễn đàn này thay vì thẳng thắn nhận lỗi ngay từ đầu. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nwAVguy bức xúc tới mức tự chế tạo chiếc ampli Objective2 để phản đối lại hành vi kinh doanh không đứng đắn của các công ty.

Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy. Rất nhiều nhà sản xuất amp đưa ra khuyến cáo rằng người dùng cần phải cắm tai nghe rồi mới bật/tắt amp. Lý do họ đưa ra là bởi chỉ riêng amp không phải là mạch đóng và do đó cần phải có tai nghe để có thể bật/tắt an toàn.

Asgard, một trong những vết nhơ của làng audiophile thập niên 2010.
Asgard, một trong những vết nhơ của làng audiophile thập niên 2010.

Giải pháp: Như chúng tôi đã nói, không có giải pháp nào là đúng nhất cho vấn đề này. Các nhà sản xuất ampli dù không phải là sai nhưng cũng không phải là đúng hoàn toàn, bởi số lượng amp thực sự đòi hỏi phải luôn được kết nối tai nghe khi bật/tắt tai nghe là rất thấp. Lý do họ đưa ra khuyến cáo tranh cãi nói trên là bởi một nhà sản xuất amp hiển nhiên luôn muốn ưu tiên bảo vệ sản phẩm của họ thay vì bảo vệ tai nghe (của hãng khác), nhưng trong trường hợp của Schiit Asgard, hành động này có thể gây ra những hậu quả tai hại. Do đó, trong phần lớn trường hợp, hãy bật ampli, chỉnh chiết áp về 0 rồi mới cắm/tháo tai nghe, đặc biệt nếu như ampli có giá trị thấp so với bộ sưu tập tai nghe của bạn.

Ngược lại, nhiều chiếc amp được thiết kế cẩn thận hơn Schiit cũng sẽ không tạo ra hiệu điện thế quá lớn khi bật/tắt và do đó cũng sẽ chẳng dễ gây hư hỏng như Asgard. Nói tóm lại, hãy hỏi kinh nghiệm của những người chơi cùng loại ampli với bạn xem mỗi cách làm có gây ra vấn đề gì hay không (và theo kinh nghiệm của chúng tôi, 99% là không) rồi tự lựa chọn.

3. Burn-in tai nghe bằng cách bật qua đêm

Rất nhiều người dùng phần mềm để burn tai nghe.
Rất nhiều người dùng phần mềm để “burn” tai nghe.

Burn-in là vấn đề gây tranh cãi số 1 của thế giới tai nghe. Nhiều người cho rằng màng loa trên tai nghe cùng các linh kiện khác sẽ giãn dần sau một thời gian sử dụng để mang tới âm thanh hay nhất. Những người khác cho rằng đây là một hiện tượng mang màu sắc tâm lý hoặc tệ hơn là hoàn toàn không tồn tại. Cũng có người đã thử so sánh khách quan bằng cách đo đạc tai nghe trước/sau burn-in, nhưng ngay cả hướng đi này cũng không giúp giải quyết vấn đề vì mỗi người đọc bảng thông số một cách khác nhau (“Khác thế này đâu phải nhiều đâu”) hoặc vì các nhà sản xuất luôn có sai số (cùng một mẫu tai nghe, không có 2 chiếc nghe giống hệt nhau).

Đứng từ kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi cho rằng burn-in là có thật nhưng bao gồm cả 2 yếu tố vật lý (xảy ra trên tai nghe) và tâm lý (người nghe càng ngày càng thích tai nghe của họ). Và không phải tai nghe nào cũng có burn-in hoặc nghe hay hơn sau khi burn-in.

Nhưng bất kể vấn đề burn-in có thật hay không, bản chất là gì, nhiều người đang mắc phải một sai lầm cực kỳ tai hại: họ burn-in tai nghe của bằng cách dùng phần mềm chạy white noise/pink noise và các âm thanh khác liên tục qua hàng ngày trời để “mở” hết các dải âm.

Dòng HD600, HD650 và các thế hệ trước đó của Sennheiser có thời gian burn khá lâu.
Dòng HD600, HD650 và các thế hệ trước đó của Sennheiser có thời gian burn khá lâu.

Tại sao nói đây là một sai lầm tai hại? Lý do là bởi việc liên tục chạy white noise/pink noise chắc chắn sẽ khiến tai nghe của bạn phải chịu một sức ép khổng lồ và do đó rất có thể bị hư hại. Tiếp đó, nhiều người dùng thực sự không biết cách chọn âm lượng khi burn-in; âm lượng quá lớn lại càng khiến cho quá trình burn-in dễ gây hư hại hơn.

Một hệ quả không mong muốn khác là khi burn-in bằng amp đèn. Bóng đèn điện tử có thể được sử dụng trong vòng hơn 10 năm nhưng cũng vẫn là… bóng đèn. Việc sử dụng bóng đèn để burn-in theo kiểu này sẽ làm giảm tuổi thọ của chúng.

Giải pháp: Hãy burn-in bằng cách đeo tai nghe lên và thưởng thức âm nhạc. Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo cho tai nghe của mình được burn-in một cách tự nhiên và an toàn nhất. Thêm nữa, nếu một ngày nào đó bạn không còn tin vào burn-in thì cách làm này sẽ giúp bạn bớt… áy náy hơn.

4. Treo tai nghe trên giá

Nói một cách chính xác thì treo tai nghe trên giá chẳng gây hại gì cả. Vấn đề thực sự ở đây là phòng của bạn chắc chắn sẽ có nhiều bụi bẩn hơn bạn nghĩ, và việc treo tai nghe trên giá sẽ gia tăng khả năng bụi lọt vào driver gây hư hại.

Giải pháp: Thay vì bỏ hàng trăm nghìn đồng mua tai nghe thì bạn hãy bỏ tiền mua các bộ case hoặc túi đựng đóng kín. Đây là cách hữu hiệu nhất để chống lại bụi bẩn. Hoặc, bạn có thể đầu tư mua một chiếc tủ nhỏ và đặt “gia tài âm thanh” của mình vào đó.

Theo Lê Hoàng, Trí Thức Trẻ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here