Rõ ràng là thị trường máy nghe nhạc cao cấp vẫn còn tồn tại, và iPod có thể là một phụ kiện để kết hợp với những chiếc DAC/amp cao cấp. Vậy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết của những chiếc iPod “đích thực” là gì?
Sau khi Apple khai tử iPod Nano và iPod Shuffle, danh mục máy nghe nhạc của Apple gần như đã cạn kiệt. Apple không còn một chiếc máy sinh ra vì mục đích nghe nhạc cả: ngay cả iPod Touch về bản chất cũng có thể coi là một phương tiện mang trải nghiệm iOS đến những người không có đủ tiền mua iPhone và iPad.
Thoạt nhìn, ai cũng sẽ nghĩ cái chết của iPod Nano và Shuffle là do smartphone, hay chính xác hơn là do iPhone mang tới. Smartphone từ năm 2007 đã luôn có tính năng nghe nhạc một cách dễ dàng, và phần đông người tiêu dùng không còn lý do để sở hữu một máy nghe nhạc riêng nữa.
iPod: Không phải là vô nghĩa
Cùng danh mục, khác số phận.
Nhưng thực tế thì không phải như vậy: khi smartphone bão hòa, thị trường máy nghe nhạc thực chất lại đang khởi sắc. Các tên tuổi quen thuộc của Nhật Bản như Sony, Onkyo và Pioneer vẫn đua nhau ra mắt đủ loại DAP (Digital Audio Player), trong đó Sony vẫn có khá nhiều sản phẩm từ giá rẻ đến cao cấp. Phân khúc cao còn chứng kiến sự xuất hiện mạnh mẽ của Astell&Kern (Hàn Quốc) và Pono (Mỹ), trong khi một loạt các tên tuổi Trung Quốc như Aune, iBasso, Fiio và Hifiman đã thúc đẩy mạnh mẽ phân khúc thấp để tạo ra một thị trường thực sự sôi động.
Xét về mặt lý thuyết, Apple cũng không nhất thiết phải đứng ngoài cơn cuồng audio của thời đại mới. Apple chưa bao giờ tập trung vào chất lượng âm nhạc lên đến tầm audiophile, nhưng những chiếc iPod vẫn luôn có thể kết hợp một cách hoàn hảo với những chiếc DAC (đầu giải mã tín hiệu số) cao cấp của chính Aune, hoặc các hãng huyền thoại âm thanh như Chord, iFi v…v…
Một bộ combo như vậy thực chất sẽ có rất nhiều lợi thế. Apple đã luôn tạo ra trải nghiệm người dùng tối ưu nhất, dễ chịu nhất. Kết hợp iPod với DAC cao cấp có thể tạo ra trải nghiệm chất lượng cả về âm thanh lẫn tính dễ sử dụng. Tiếp đến, Apple cũng có định dạng âm thanh cao cấp riêng (ALAC) và cũng đang sở hữu Beats, một thế lực trong mảng tai nghe/loa di động (dù rằng chất lượng âm nhạc vẫn luôn bị đặt dấu hỏi). Cuối cùng, vì Apple theo một chuẩn riêng và luôn có thị phần đáng kể, phát triển DAC/amp tương thích với thiết bị của Apple dễ dàng hơn thiết bị Android hay bất kỳ một hệ điều hành nhúng nào có mặt trên thị trường.
Nói tóm lại, nếu Apple vẫn quyết tâm ra mắt iPod không-chạy-iOS hay thậm chí là hồi sinh iPod Classic, những chiếc máy nghe nhạc gắn mác Táo vẫn sẽ luôn được hưởng ứng bởi một lượng tín đồ nhất định.
Sự dịch chuyển của thời đại
Nhưng thiết bị tập trung nghe nhạc là thị trường mà Apple bắt buộc phải rời bỏ. Lý do dễ thấy nhất nằm ở vai trò “bổ sung” của máy nghe nhạc mp3 trong thời đại mới. Việc sở hữu một chiếc iPod 64GB có pin “trâu” hoàn toàn có thể giúp bạn hoãn phải nâng cấp chiếc iPhone 6 16GB chật chội. Apple sẽ không làm bất cứ điều gì có thể tổn hại đến nguồn sống iPhone, nhất là với những thiết bị có giá thấp (tỷ lệ lãi thấp) như iPod.
Điều này chắc hẳn làm bạn đặt ra một câu hỏi khác: tại sao không khai tử luôn iPod Touch. Câu trả lời sẽ giúp bạn tìm ra chìa khóa tới tương lai: iPod Touch là một thiết bị iOS thực thụ.
Đó là một phần quan trọng trong tương lai của Apple. Trước đây, việc Apple bán ra những thiết bị có giá thấp như iPod Shuffle là bởi chúng sẽ góp phần thúc đẩy người dùng mua nhiều nội dung từ iTunes. Lợi nhuận ít ỏi từ phần cứng sẽ được bù đắp bởi phần mềm.
Nhưng iTunes đã chết, giờ là thời đại của streaming: chẳng ai muốn mua nhạc số cho riêng mình nữa cả. Cùng một khoản tiền để mua 1 album trên iTunes, bạn có thể nghe hàng trăm nghìn bài hát trên Apple Music trong vòng cả tháng. Nguồn lợi ít ỏi do iPod gián tiếp tạo ra đã bị các dịch vụ stream cắt đứt.
Apple hiểu rõ điều đó. Chính Apple cũng đang muốn đóng phần quan trọng trong xu thế chuyển dịch khi ngày càng đẩy mạnh quảng bá Apple Music và thờ ơ với iTunes. Số phận khác biệt của iPod Touch cũng nằm ở đây: iPod Touch có khả năng kết nối Internet và chạy AppleMusic, iPodClassic,Nano, Shuffle thì không. iPod Touch nắm trong mình khả năng thúc đẩy doanh thu nội dung cho Apple nên được quyền “sống” tiếp, còn tất cả các dòng iPod cổ lỗ sĩ khác đều phải chết.
Vĩnh biệt những cỗ máy rực rỡ nhất của Apple.
Vậy, còn đối tượng người dùng Audio thì sao? Đây là một thị trường tiềm năng, nhưng không đủ lớn để cuốn hút Apple. Apple không bán nhạc số cao cấp, cũng chẳng cạnh tranh trực diện với Tidal. Khi bạn tải FLAC cao cấp vào iPod, Apple không được thêm một đồng doanh thu nào cả. Liệu miếng ăn quá nhỏ bé từ phần cứng có đáng để hy sinh bao nhiêu tầm nhìn của tương lai?
Và như thế, iPod phải chết: không còn iFan nào mua nhạc số nữa cả, nên những chiếc máy nghe nhạc offline cần phải chìm vào dĩ vãng.