Tai nghe có thể xem như một vật dụng không thể thiếu của bất kỳ ai và dĩ nhiên, chẳng một ai muốn chúng bị hỏng hóc cả. Nhưng không có gì là trường tồn với thời gian, ngay cả chiếc tai nghe của bạn cũng vậy. Dù có được cấu thành từ những linh kiện cao cấp đến mấy thì sớm muộn những thành phần này cũng sẽ bị hao mòn theo giời gian. Lúc này, việc bị hỏng hóc là không thể tránh khỏi. Những lúc như vậy, bạn đừng quá lo lắng mà hãy bình tĩnh tìm ra nguyên nhân hỏng hóc và khắc phục chúng. Ở bài viết kỳ này, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn những cách tự sửa tai nghe tại nhà.
I. Tai nghe của bạn có thực sự bị hỏng
Đôi khi nguyên nhân dẫn đến việc tai nghe bị rè hoặc nhỏ tiếng lại đến từ chính thiết bị nguồn phát. Vì thế mà bạn nên cắm chiếc tai nghe của mình vào một chiếc smartphone/laptop/máy nghe nhạc và nghe thử. Nếu âm thanh rõ ràng, chi tiết hơn thì rất có thể sự cố nằm ở chính phần nguồn phát chứ không phải chiếc tai nghe của bạn.
Một trường hợp khác hiếm khi xảy ra hơn đó là việc bạn sử dụng các file nhạc chất lượng thấp. Với những file nhạc số có tuổi thọ quá lâu (từ những năm 2000) thì việc âm thanh bị nhỏ hay đứt mạch khi nghe qua tai nghe là điều khá dễ hiểu. Lúc này, bạn nên chuyển sang thưởng thức những bản nhạc chất lượng cao trên ứng dụng Spotify, Zing MP3, Youtube, … Nếu âm thanh vẫn bị rè hoặc nhỏ tiếng thì hãy bắt tay vào việc sửa tai nghe nào.
Một lưu ý cực kỳ quan trọng đó là bạn hãy kiểm tra xem chiếc tai nghe của mình còn thời hạn bảo hành hay không. Nếu còn thì hãy đem tới cửa hàng/đại lý phân phối chiếc tai nghe đó để được bảo hành theo chính sách.
II. Xác định nguyên nhân gây ra việc hỏng hóc tai nghe
Một chiếc tai nghe thường sẽ bị hỏng hóc ở ba vấn đề đó là dây dẫn, jack cắm và loa (driver). Với mỗi nguyên nhân khác nhau chúng ta sẽ có các cách khắc phục khác nhau. Vì thế mà bạn cần xác định chính xác yếu tố nào khiến cho chiếc tai nghe của mình bị hỏng.
1. Nguyên nhân đến từ dây dẫn
Với nguyên nhân này, bạn chỉ cần uốn/gập dây dẫn một góc 90 độ từ phần jack cắm đến loa tai nghe. Nếu uốn đến vị trí nào mà âm thanh đột nhiên bị rè, méo hoặc mất tiếng thì vị trí đó khả năng cao đã bị đứt dây.
2. Nguyên nhân đến từ jack cắm
Với nguyên nhân này, bạn hãy thử lay/xoay jack khi chúng đã được cắm sâu vào cổng kết nối của nguồn phát. Nếu âm thanh bị ngắt quãng, không rõ tiếng thì nhiều khả năng jack cắm của tai nghe đã bị hỏng.
3. Nguyên nhân đến từ loa tai nghe
Nếu cả phần dây dẫn và jack cắm đều không phải là nguyên nhân thì nhiều khả năng loa trên chiếc tai nghe của bạn đã gặp sự cố. Nếu gặp tình trạng bên to bên nhỏ thì bên nhỏ là vị trí loa bị lỗi. Còn nếu cả hai cùng không phát nhạc thì bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian để khắc phục loa ở cả hai bên tai nghe.
III. Các cách khắc phục và tự sửa tai nghe
1. Cách sửa tai nghe do hỏng dây dẫn
Bước 1: Bạn hãy đánh dấu vị trí bị đứt dây bằng bút dạ hoặc băng dính
Bước 2: Sử dụng kìm cắt dây loại nhỏ, dao dọc giấy hoặc kéo để tước phần vỏ dây bên ngoài cho tới khi nhìn thấy đoạn bị đứt
Nếu phần dây dẫn có 2 dây điện nhỏ dính vào nhau thì dây được bọc cách điện là dây tín hiệu, dây còn lại sẽ là dây trần.
Một số tai nghe khác sẽ có 2 dây được bọc cách điện thì đó là dây tín hiệu cho tai nghe bên trái và tai nghe bên phải, dây còn lại là dây trần.
Bạn cũng đừng quá lo lắng trong việc phân biệt loại dây dẫn vì thường chúng sẽ được phủ màu khác nhau. Bạn chỉ cần cắt và nối lại theo đúng màu là việc truyền dẫn tín hiệu sẽ trở lại bình thường.
Bước 3: Ở vị trí cần sửa chữa, bạn cắt dây dẫn làm đôi. Nếu cả hai dây dẫn ở bên tai trái và tai phải cùng bị hỏng thì bạn nên cắt đều dây cả hai bên.
Bước 4: Luồn ống co vào tai nghe để sau khi nối hoặc hàn lại dây, bạn sẽ kéo ống lại để bảo vệ đoạn dây đã qua sửa chữa.
Bước 5: Tiến hành nối dây. Như đã nói ở trên, bạn hãy chắc chắn rằng mình sẽ nối các dây dẫn cùng màu với nhau. Bạn có thể sử dụng cách nối thắt bím hoặc nối xoắn. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thẩm mỹ thì chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng cách nối xoắn.
Ngoài phương pháp nối dây, bạn cũng có thể sử dụng máy hàn điện để hàn lại đoạn dây dẫn bị đứt. Những trước khi hàn, bạn nên sử dụng giấy ráp để đánh sạch lớp sơn bảo vệ. Vì nếu còn lớp sơn này khi hàn sẽ tỏa ra mùi khói gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bước 6: Kéo ống co qua chỗ nối hoặc hàn dây rồi dùng máy sấy hơ nóng ống co lại. Điều này sẽ khiến cho đoạn nối dây trở nên bền chặt hơn.
2. Cách sửa tai nghe do hỏng jack cắm
Bước 1: Bạn đặt mua một jack cắm mới và hãy chắc rằng jack cắm đó đúng loại với jack cắm trên tai nghe của bạn. Thông thường các mẫu tai nghe trên thị trường sử dụng jack cắm stereo nên bạn đừng mua nhầm jack mono nhé.
Bước 2: Tiến hành gỡ bỏ jack cắm cũ. Nếu jack cắm nối liền với dây dẫn thì bạn chỉ việc cắt bỏ chúng bằng kéo hoặc kìm cắt. Ở một số mẫu tai nghe khác, bạn hoàn toàn có thể bỏ jack cũ bằng cách vặn chúng ra.
Bước 3: Ở vị trí bạn vừa cắt, lấy kìm hoặc dao dọc giấy để tước phần vỏ dây bên ngoài.
Bước 4: Lắp các bộ phận của jack cắm vào dây điện. Bạn chỉ cần xoay jack cắm mới và luồn phần vỏ, lò xo và đoạn ngắn ống có vào dây điện.
Bước 5: Nối dây vào các đầu jack cắm. Cụ thể, dây trần sẽ nối vào chân lớn còn hai dây tín hiệu sẽ nối vào hai chân ngắn.
Do không có màu sắc cụ thể nên sau khi hoàn thành bạn hãy nghe thử. Nếu ko lên âm thanh thì nghĩa là bạn đã nối sai.
Bước 6: Kẹp cố định các dây vào chân của jack cắm để chúng không chạm vào nhau.
Bước 7: Sử dụng máy hàn mini để hàn các dây vào chân jack cắm. Nhờ sử dụng giấy ráp để đánh các cạnh thô ráp nhằm giúp cho quá trình hàn được dễ hơn nhé.
Bước 8: Vặn lại nắp và tiến hành nghe thử. Nếu không được thì nhiều khả năng là bạn nối sai dây hoặc các dây đang bị chạm vào nhau. Vì thế bạn cần làm thật kỹ các bước để tránh sai sót.
3. Cách sửa tai nghe do hỏng loa
Bước 1: Bạn mở phần tai nghe bị hỏng ra. Do mỗi tai nghe đều có những cách mở rất khác nhau vì thế trước khi mở, bạn hãy tham khảo kỹ cách mở trên mạng.
Bước 2: Tìm vị trí dây bị đứt (nếu có) và hàn chúng lại. Hãy lưu ý rằng, không có bất kỳ dây nào chạm vào nhau khi bạn đang hàn.
Bước 3: Thay mới loa cho tai nghe nếu không phải nguyên nhân là do đứt dây. Các bước thay mới gồm:
- Cắt bỏ lớp lót cao su quanh nắp loa bằng một con dao nhọn
- Gỡ bỏ loa hình nón bên trong ra
- Đặt loa mới vào vị trí cũ và hãy cẩn thận đừng chạm vào màng loa
- Để chắc chắn hơn, hãy nhỏ một chút keo xung quanh các cạnh của nó
IV. Vài mẹo nhỏ giúp bảo quản tai nghe tốt hơn
Để tránh gặp phải những trường hợp hư hỏng như trên thì việc bảo quản tai nghe tốt là cực kỳ cần thiết.
- Hãy hạn chế tối đa việc bẻ gập, nhét hoặc cuộn tai nghe không đúng cách
- Đừng bao giờ kéo căng dây dẫn của tai nghe khi đang sử dụng
- Hãy thường xuyên vệ sinh jack cắm, dây dẫn và phần đầu tai nghe
- Tránh hoàn toàn việc tai nghe rơi xuống nước hoặc đặt chúng ở những nơi quá nóng hay quá lạnh
Và nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sửa tai nghe thì tốt hơn hết là hãy đem nó tới ngay các cửa hàng sửa tai nghe uy tín, ví dụ như Xuân Vũ Audio – địa chỉ được rất tín đồ âm thanh tin tưởng lựa chọn trong suốt hơn 10 năm qua.