DAC/amp và DAP truyền thống thì bất tiện. True Wireless thì kém ổn định và… nghe dở. Không lẽ các audiophile cứ phải lựa chọn chỉ 1 trong 2?
Không lẽ các audiophile cứ phải mãi chấp nhận sự cồng kềnh bất tiện?
Khi khai tử cổng tai nghe khỏi những chiếc iPhone vào năm 2016, Apple đã trao cho các nhà sản xuất âm thanh một món quà: kể từ đây, trào lưu tai không dây sẽ chính thức bắt đầu. Sony, Sennheiser, Audio Technica và Beyerdynamic cùng ra mắt True Wireless, ngay cả những tên tuổi truyền thống như Grado cũng vén màn tai Bluetooth. Giá bán trung bình của thị trường tai nghe liên tục tăng (thống kê GfK) khi người dùng tìm đến sự tiện dụng của tai nghe không dây, thay thế cho những chiếc tai nghe đính kèm vướng víu, khó chịu.
Tuy vậy, sự trỗi dậy của tai nghe Bluetooth không có nghĩa rằng tai nghe có dây đã chết. Không sở hữu những giải pháp “thửa riêng” như AirPods, tai nghe True Wireless từ các hãng khác (bao gồm cả Sony hay Samsung) vẫn gặp hiện tượng thiếu ổn định, hay đứt kết nối. Ở phía ngược lại, dù ổn định nhưng AirPods (và phần đông các mẫu tai nghe Bluetooth phổ thông) có chất lượng âm thanh chỉ ở mức… đủ dùng. Đây là lý do lớn nhất giúp cho thị trường audio có dây vẫn tiếp tục phát triển sau cú sốc do iPhone 7 gây ra.
True Wireless: Tiện, gọn, nhưng… nghe dở.
Các audiophile bởi vậy phải đứng trước một lựa chọn khó khăn: tiếp tục gắn bó với những chiếc CIEMs cao cấp, hay là đánh đổi tất cả vì một trải nghiệm tiện dụng hơn? Làm thế nào để đưa Shure, Noble hay Fitear vào thời đại không dây, ở mức chất lượng chấp nhận được?
Đi tìm sự cân bằng
“DAC/amp Bluetooth” chính là câu trả lời dành cho audiophile trong thời đại mới. Vẫn là những thiết bị nhận tín hiệu Bluetooth rồi phát ra âm thanh analog, những sản phẩm đáng được gọi là “DAC/amp Bluetooth” lại mang trong mình một khác biệt cốt lõi: chúng sử dụng chip DAC/amp cao cấp thay cho chip “vô danh” trên đầu nhận thông thường. Kết quả là chất lượng âm thanh cao hơn hẳn True Wireless bên trong một trải nghiệm đã gọn nhẹ hơn nhiều so với DAC/amp USB truyền thống.
DAC/amp Bluetooth: Thay USB bằng LDAC, thay chip “vô danh” bằng AKM hay Sabre.
Nổi bật nhất trong trào lưu này có lẽ là các hãng audio Trung Quốc. Quá quen thuộc với người dùng DAC/amp và DAP giá rẻ, Fiio (Quảng Châu) ra mắt liên tiếp 3 mẫu Bluetooth receiver có sử dụng chip DAC/amp từ AKM với giá cực kỳ dễ chịu: dưới 100 USD. Ở phía ngược lại, đại diện DAP cao cấp của Thâm Quyến là Colorfly chọn Sabre ESS 9318 để sử dụng cho mẫu receiver đầu tay mang tên BT-C1. Một tên tuổi khá quen thuộc khác là xDuoo lại dùng DAC Wolfson trên XQ-23, trong khi HiBy chỉ vừa gây tiếng vang với 2 mẫu DAC cao cấp nay cũng vén màn adapter W5 với DAC/amp Sabre tích hợp.
Dĩ nhiên, đây không phải là cuộc chơi dành riêng cho các hãng “Chi-fi”. Người khổng lồ từ Nhật Bản, Audio Technica không chỉ ra mắt adapter tối ưu cho dòng M50X mà còn có mẫu AT-PHA55BT (dùng DAC ES9118) để hỗ trợ bất kỳ mẫu tai nghe in-ear nào trên thị trường. Nổi danh qua các dòng in-ear siêu đắt, Noble (Mỹ) tham gia cuộc chơi bằng chiếc BTS có giá cực kỳ “phải chăng”: chỉ 100 USD. Một số hãng khác từ Mỹ như Audeze và Westone lại mang Bluetooth lên tai nghe của mình thông qua dây nối thiết kế riêng.
Cuộc chơi chứng kiến sự góp mặt của cả các tên tuổi tai nghe đình đám.
Từ LDAC đến Balanced
Người Hàn Quốc cũng chẳng chịu kém cạnh. Từ 2016, Astell & Kern – cái tên đặc biệt quen thuộc với người chơi DAP cao cấp, đã ra mắt chiếc AK XB10, mang sức mạnh balanced vào trong thân hình gợi nhắc đến hộp đựng trang sức. Nhưng vô địch về chất lượng âm thanh lúc này có lẽ lại là Radstone: năm 2018, hãng âm thanh Hàn Quốc gọi vốn và ra mắt thành công EarStudio ES100 khả năng hỗ trợ LDAC và 2 chip DAC/amp AK4375a chạy song song để “kéo” cả HD600 hay R70X. Từ đó đến nay, ES100 đã liên tục nhận được những lời khen từ cả các blogger âm thanh lẫn các chuyên trong công nghệ.
Thành công của ES100 có một ý nghĩa quan trọng: thiết bị nhận Bluetooth hoàn toàn có thể đứng ngang tầm DAC/amp USB về chất lượng âm thanh. Dẫu chưa thể đạt đến đẳng cấp của Chord và cũng chưa thể tiện dụng như AirPods, những chiếc DAC/amp Bluetooth đã có thể giúp các audiophile nhận được những trải nghiệm gọn nhẹ, thoải mái hơn mà không cần phải chấp nhận âm thanh vừa dở, vừa nhiễu của Bluetooth “thường”.
DAC/amp Bluetooth đã có thể thay thế được DAC/amp USB tầm trung.
Đó có lẽ cũng là cách mà họ muốn đặt chân vào thời đại mới. Ngay cả trong kỷ nguyên không dây, phần lớn những mẫu tai nghe huyền thoại như IE800 hay SE846 vẫn gắn chặt số phận với các cổng tai nghe analog truyền thống. Chúng chỉ có một con đường duy nhất để bước chân vào thời đại mới: qua những thiết bị nhận LDAC và phát analog chất lượng cao.
Theo VnReview