Kết nối USB-C là giải pháp mới nhất hiện nay để thay thế cho jack 3.5mm không còn được “trọng dụng” trên các mẫu smartphone đời mới nữa. Tiêu chuẩn này dĩ nhiên vẫn có cả những ưu và khuyết điểm riêng, đó là lý do vì sao chúng ta cần phải đánh giá xem nó có đáng để sử dụng hay không. Dân audiophile thường không quá tin tưởng vào kết nối USB-C vì độ tương thích không cao, tuy vậy người dùng đại trà thì họ lại không quan tâm đến vấn đề này cho lắm, nhất là khi 1 số hãng smartphone (như Google chẳng hạn) thường kèm theo luôn 1 cặp tai nghe USB-C cho chiếc điện thoại của mình khi mở hộp, điều này giúp khách hàng có thể nghe nhạc ngay mà không cần phải tốn thêm chi phí nào nữa.

Nhìn chung ở thời điểm hiện tại, kết nối USB-C đóng vai trò là 1 giải pháp mới cho những ai không thích hay chưa sẵn sàng chuyển qua sử dụng tai nghe không dây. Lợi điểm không thể chối cãi của kết nối có dây là sẽ không bao giờ bị hiện tượng nhiễu sóng, trễ tiếng hay phải sạc pin sau 1 khoảng thời gian sử dụng.

2. Các giao thức làm việc của USB-C Audio

Có hai cách để thiết bị di động truyền tải tín hiệu thông qua cổng USB-C. Cách đầu tiên là passive (hoặc có thể gọi là analog output) đó là mạch DAC có sẵn trên điện thoại sẽ giải mã tín hiệu âm thanh kỹ thuật số và chuyển đổi thành tín hiệu analog (các tai nghe thông thường đều sử dụng tín hiệu analog) và truyền tín hiệu analog trực tiếp ra cổng USB-C. Dây adapter (hoặc tai nghe) sẽ nhận tín hiệu analog và truyền tải thụ động đến driver của tai nghe, lúc này thì cổng USB-C có cơ chế hoạt động hoàn toàn giống với cổng 3,5mm thông thường trước đây chỉ khác cổng kết nối. Tức là dây adapter hoặc dây tai nghe chỉ cần đi lại các chân dây là có thể phát nhạc bình thường mà không cần đến các chịp đặc biệt. Đại diện tiêu biểu đó là Bphone và Motorola (Điểm yếu rất lớn đó là mức noise cao hơn rất nhiều so với cổng 3,5mm bình thường). Tại sao? Vì nó trích xuất tín hiệu analog từ toàn mạch của con smartphones, mà trong đó là từ CPU xử lý, các CPU ARM thường có độ nhiễu rất cao khi chạy nên việc nghe dở là hiển nhiên. Mình thấy trên thị trường có nhiều model USB-C chỉ chừng 300k 400k 500k nhưng nó sẽ không ghi USB-C Active hay Passive, ta có thể làm phép tính, một con chip DAC và một mạch DSP thì kiểu gì cũng hơn 250k-300k rồi nên cái giá cho là 500k cho một con tai nghe OnePlus và đòi nó có mạch DAC ngon xịn, nghe hay là điều không thể

Những điều cần biết khi nghe nhạc qua kết nối USB-C
Các giao thức làm việc của USB-C Audio

Cách còn lại cũng là cách thông dụng mà các điện thoại hay sử dụng đó xuất tín hiệu kỹ thuật số trực tiếp qua cổng USB-C. Cách này xuất các tín hiệu âm thanh kỹ thuật số trực tiếp thông qua cổng USB-C và loại bỏ hoàn toàn các mạch DAC hoặc Amp bên trong điện thoại của bạn (bất kỳ điện thoại nào cũng có DAC và Amp để xuất âm ra loa tích hợp trên điện thoại). Điều này cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ giải mã âm thanh phụ thuộc hoàn toàn vào mạch DAC/Amp được tích hợp trên adapter hoặc tai nghe. Đa số các sản phẩm tai nghe USB-C tốt hiện tại đều có một chip DAC/Amp được tích hợp trên dây. Điều này cũng khiến cho chất lượng âm thanh cũng phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng của adapter hoặc mạch giải mã của tai nghe. Thông thường các tai nghe này sẽ có khi các dòng ký hiệu, hiển thị thông số giải mã như “24bit/96kHz”, đại loại vậy.

3. Audio Adapter Accessory Mode

Chế độ Audio Adapter Accessory Mode là tên của một giao thức cho phép cổng USB-C truyền tín hiệu analog audio trực tiếp đến thiết bị phụ kiện giống như 3,5mm adapter. Đa số những chiếc tai nghe với jack USB-C đều hỗ trợ phương thức giao tiếp này để có thể phát nhạc trực tiếp từ DAC/Amp của điện thoại một cách thụ động hoặc chủ động giải mã thông qua mạch DAC/Amp trực tiếp trên tai nghe. Tuy nhiên Audio Adapter Accessory Mode là điều mà các nhà sản xuất điện thoại có thể chọn để áp dụng chuẩn thống nhất hoặc không để tiết kiệm chi phí. Bên các cổng USB-C đực và cái có chuẩn này đều có 4 chân kết nối để đảm bảo tín hiệu truyền tải âm thanh analog (Left audio, Right audio, Microphone, và Ground). Nếu cả hai thiết bị nguồn và thiết bị cuối đều hỗ trợ tiêu chuẩn này thì các bạn có thể yên tâm sử dụng để nghe nhạc bởi vì đây là chuẩn thống nhất. Ngoài ra bên cạnh 4 chân này thì chế độ Audio Adapter Accessory Mode có thể hỗ trợ thêm 2 chân kết nối nữa để thiết bị điện thoại có thể sạc với cường độ dòng điện tối đa 500 milliamp.

Audio Adapter Accessory Mode

Nếu điện thoại của các bạn có hỗ trợ Audio Adapter Accessory Mode thì ngay cả những adapter USB-C sang 3,5mm rẻ tiền nếu có chứng nhận hỗ trợ thì chắc chắn các bạn có thể yên tâm sử dụng. Cùng với chuẩn này mà các bạn muốn sử dụng các adapter chia 2 vừa sạc vừa nghe nhạc cũng có thể được hỗ trợ. Nếu điện thoại của bạn không hỗ trợ Audio Adapter Accessory Mode thì khả năng lớn để đảm bảo độ tương thích thì các bạn nên mua các adapter của hãng. Hoặc các adapter đắt tiền và ghi rõ ràng các mẫu điện thoại tương thích, nếu không thì với các adapter rẻ tiền tràn lang hiện tại thì độ tương thích khó có thể đảm bảo. Nếu như các bạn có ý định mua một chiếc điện thoại smartphone Android không có cổng 3,5mm mà vẫn muốn sử dụng chiếc tai nghe 3,5mm cao cấp của mình thì các bạn nên tìm hiểu kỹ về điện thoại đó trước, cũng như các chế độ xuất âm tương thích với các adapter hoặc tham khảo sang các giải pháp receiver không dây khác.

4. USB-C audio: liệu có khởi sắc trong năm 2019?

Điều này thật khó nói. Tuy những chiếc tai nghe USB-C đang ngày càng được chú ý nhiều hơn nhưng điều này không đủ để kết luận được tương lai của USB-C audio sẽ ra sao. Tại CES năm nay, những mẫu tai nghe USB-C xuất hiện khá ít, đồng thời kèm theo tin đồn jack 3.5mm có thể sẽ được hồi sinh trên những chiếc smartphone đang được mong chờ như Huawei P30 hay Sony Xperia XZ4, từ đó càng làm người dùng cân nhắc có nên đầu tư cho 1 chiếc tai nghe USB-C hay không.
Khi truyền tải tín hiệu âm thanh, kết nối USB-C thiếu đi tiêu chuẩn chung Audio Device Class 3 (USB ADC 3.0) khiến nó bị giới hạn tương thích rất nhiều. Những chiếc smartphone không hỗ trợ USB Audio Class 3.0 lúc này sẽ phải dựa vào các công nghệ độc quyền từ mỗi hãng để sử dụng được các tính năng phụ trợ (ví dụ như chống ồn chẳng hạn). Nếu như tất cả các hãng đều hỗ trợ tiêu chuẩn USB ADC 3.0 thì những chiếc tai nghe USB-C sẽ đều sở hữu các tính năng tương đồng với nhau, tuy nhiên trên thực tế thì điều này là ngược lại vì lý do độc quyền. Nói dễ hiểu hơn thì USB-C Audio sẽ phải tuân theo 2 quy luật là: có được hệ điều hành Android hỗ trợ mặc định hay không và thông số kỹ thuật của chiếc smartphone ra sao. Nếu các hãng phần cứng không đi đến sự thống nhất trong việc phát triển công nghệ thì khả năng tương thích tuyệt đối của USB-C sẽ không bao giờ xảy ra.
Trên đây là những điều bạn cần lưu ý khi nghe nhạc qua kết nối USB-C mà chúng tôi muốn giới thiệu tới các bạn. Chúc các bạn thành công.

Theo Trangcongnghe

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here