Xin đừng. Thực sự.
Hầu hết những người sử dụng tai nghe “surround” sẽ nói với bạn rằng tai nghe của họ thật tuyệt, đơn giản bởi nó là “surround”. Rằng họ có thể có được hiệu ứng âm thanh vòm như những dàn lòa 5.1 hay 7.1 mà những tai nghe “stereo” không thể có được.
Vậy sự khác biệt giữa tai nghe “Stereo” và tai nghe “surround” là gì?
Tai nghe surround có hai loại. Một loại sẽ có hai củ loa như tai nghe truyền thống và sử dụng những phương pháp xử lí kỹ thuật số để tạo ra hiệu ứng vòm. Loại thứ hai sẽ có nhiều củ loa nhỏ ở mỗi bên tai và kết hợp với các phương pháp xử lí trên.
Nhưng liệu chúng có thực sự khác biệt, và số tiền bỏ thêm ra cho các mác âm thanh vòm có đang để bạn móc hầu bao trong khi sẽ phải hy sinh rất nhiều trong chất âm?
Để làm rõ điều này, chúng ta hãy tìm hiểu xem tai người định hướng âm thanh như thế nào?
Khả năng định hướng âm thanh của chúng ta đến từ một quá trình gọi là binaural hearing, nghĩa là “nghe bằng hai tai”.
Tai chúng ta xác định phương hướng như thế nào?
Bí mật của việc “nghe bằng hai tai” chính là vị trí của tai.
Bởi chúng nằm đối xứng ở hai bên đầu, âm thanh nghe bởi mỗi tai sẽ thay đổi theo thời gian, âm lượng, và cân bằng tần số. Những sai khác này là các dấu hiệu để não bộ giải mã vị trí của âm
Lấy ví dụ: Một âm thanh chưa xác định đến từ phía bên trái đầu của bạn.
Đây là cách mà bộ não bạn giải mã những dấu hiệu:
1. Sự khác biệt trong thời gian
Khi một âm thanh đến từ bên trái, khoảng cách nó di chuyển tới tai trái sẽ ngắn hơn so với tai phải. Nên âm thanh sẽ tới tai trái trước tai phải trong khoảng mili giây.
Đây chính là dấu hiệu đầu tiên để bộ não biết rằng âm thanh có thể tới từ bên trái. Nhưng vậy là chưa đủ.
2. Sự khác biệt trong âm lượng
Âm thanh càng đi xa sẽ càng nhỏ đi. Nó cũng sẽ nhỏ dần khi gặp phải vật cản.
Khi một âm thanh chưa xác định đến từ bên trái, tai phải sẽ nhận được mức âm lượng nhỏ hơn. Và bởi đầu bạn cũng là một vật cản, nó sẽ càng nhỏ hơn nữa.
3. Sự khác biệt trong tần số
Khi một âm thanh đến từ bên trái, đầu của bạn sẽ cản một phần của nó khi đi tới tai phải. Nhưng đầu bạn sẽ không cản mọi tần số âm thanh giống nhau.
Âm thanh ở tần số cao mang ít năng lượng hơn, nên sẽ dễ bị hấp thụ bởi vật cản hơn tần số thấp. Bởi vậy khi âm thanh đi tới hai tai, tai phải sẽ nhận được nhiều âm thanh tần số thấp và ít âm thanh tần số cao hơn tai trái.
Và bạn sẽ thắc mắc nếu âm thanh đến từ trực diện thì sao?
Thời gian, âm lượng, và tần số nhận được ở hai tai sẽ như nhau.
Vậy làm sao để phân biệt trước và sau? Khi âm thanh đến từ phía sau, bộ não của bạn sẽ hoang mang trong một khoảnh khác. Và điều này kích hoạt một phản ứng mang tính bản năng khiến bạn hơi quay đầu sang một bên một chút xíu. Hành động này rất nhanh và nhẹ nhàng, và bạn sẽ chẳng thể nhận ra nổi ngay cả khi cố làm thử. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt ở hai bên tai đủ để bộ não hiểu ra được âm thanh đến từ đâu.
Tai chúng ta xác định khoảng cách như thế nào?
1. Lượng tiếng vọng
Âm thanh đến từ càng xa thì lượng tiếng vọng sẽ càng nhiều. Tính chất này tồn tại bởi gần như âm thanh nào trước khi đến tai bạn cũng sẽ phải phản xa qua nhiều bề mặt.
2. Độ trễ
Chính là khoảng thời gian từ khi âm thanh đến trực tiếp tai bạn và âm thanh phản xạ đầu tiên tới được tai bạn. Âm thanh đến từ phía xa sẽ có độ trễ ít hơn bởi cả hai đều phải di chuyển một quãng đường xa để tới được tai bạn.
3. Đáp ứng tần số
Khi một âm thanh đến tai bạn từ phía xa, những chi tiết tần số cao sẽ mất dần đi bởi bị hấp thụ bởi vật cản, ngay cả không khí cũng góp phần vào việc này.
Và khi tổng hợp lại tất cả các dấu hiệu trên, bộ não của bạn sẽ có thể xác định được vị trí và khoảng cách của âm thanh.
Vậy có nghĩa là gì?
Với những dàn loa 5.1 và 7.1, bạn có khoảng cách và góc độ của mỗi loa thành phần so với tai người – kết hợp với hiệu ứng từ bản thu từ âm nhạc, phim ảnh, game – đủ để tạo ra sự sai khác giữa các thành phần âm thanh theo ý đồ của người tạo ra bản thu. Và bạn có được những âm thanh ở vị trí khác nhau, khoảng cách khác nhau. Đó chính là âm thanh vòm.
Còn với tai nghe, mỗi tai của bạn sẽ nghe trực tiếp từ tai nghe với khoảng cách cực kì ngắn. Kể cả những tai nghe surround với nhiều củ loa thì góc độ so với tai của bạn khi trải nghiệm thực tế cũng không khác gì tai nghe hai củ loa truyền thống.
Bạn cũng sẽ không nhận được những sự sai khác rõ rệt như với loa, và khi nguồn âm thanh từ hai bên tai khá biệt lập, những dấu hiệu như độ trễ hay sai khác tần số sẽ gần như không có. Bởi vậy từ đây có thể rút ra kết luận rằng nhiều củ loa trên một bên tai là hoàn toàn vô nghĩa.
Để có được hiệu ứng vòm trên tai nghe, tất cả đều sẽ đến từ hiệu ứng của bản thu (binaural recording) và can thiệp bằng các phương pháp kỹ thuật số như Dolby Headphone hay CMSS-3D.
Những phương pháp này sẽ tạo ra những sai khác để đánh lừa bộ não của bạn, tạo ra hiệu ứng vòm, nhiệm vụ của tai nghe sẽ vẫn luôn là tái tạo lại âm thanh. Tai nghe nào có khả năng tái tạo lại âm thanh với chất âm xuất sắc hơn, chiếc tai nghe đó sẽ đáng tiền hơn.
Và xin chia buồn với những ai đang sử dụng tai nghe cộp mác surround, thì với cùng số tiền bỏ ra – không tính đến những tính năng hay nút bấm hào nhoáng – hay thậm chí ít hơn, thì bạn sẽ chẳng bao giờ có được chất âm như những tai nghe stereo truyền thống. Đơn giản bởi bạn đã phải bỏ thêm tiền cho các mác âm thanh vòm, hay thậm chí là 5,7 củ loa bé tí xíu nghe chẳng ra gì. Những tai nghe stereo với chất âm vượt trội chỉ cần kết hợp với những soundcard có Dolby Headphone/CMSS-3D hay thậm chí phần mềm như Razer Surround là sẽ có được hiệu ứng vòm mong muốn.
Vậy nên, nếu có thể, xin đừng tốn tiền vào những tai nghe surround nữa!
Theo Trithuctre