Khi thị trường smartphone đã bão hòa, các nhà sản xuất buộc phải đi tìm một nguồn thu khác. Và khi smartphone đã bão hòa, nguồn thu béo bở nhất sẽ đến từ các phụ kiện “ăn theo” như AirPods hay Apple Watch.
Trào lưu của giới smartphone
Tại sự kiện Unpacked diễn ra vào tháng trước, Samsung đã không chỉ giới thiệu những chiếc điện thoại. Bên cạnh Galaxy S10 và Galaxy Fold, gã khổng lồ Hàn Quốc cũng đã khiến các fan hâm mộ phải chú ý đến một cặp tai nghe True Wireless hoàn toàn mới mang tên Galaxy Buds.
Galaxy Buds không phải là những chiếc tai nghe True Wireless đầu tiên của Samsung: năm ngoái, rất nhiều người mua Galaxy Note9 cũng đã được nhận chiếc Gear IconX do hãng này tặng kèm. Các đối thủ trên phân khúc cao cấp không bao giờ có chương trình tặng quà hào phóng như Samsung, nhưng trào lưu phát triển tai nghe không dây là có thật. Năm 2016, chính Apple đã bắt đầu trào lưu True Wireless trên di động bằng AirPods – cặp tai nghe đến giờ vẫn chưa ngừng “hot”.
Các nhà sản xuất smartphone đang đẩy mạnh ra mắt tai nghe không dây.
Một năm sau đó, Google cũng bám đuổi bằng cách ra mắt Pixel Buds. Dù không phải là True Wireless, chiếc tai nghe này sau đó vẫn thu hút sự chú ý mạnh mẽ nhờ khả năng “dịch trực tiếp như bánh mì Doraemon”.
Năm 2018 chứng kiến các nhà sản xuất Trung Quốc tham gia mạnh mẽ vào trào lưu, khi OnePlus ra mắt “Bullets Wireless”, Huawei có FreeBuds Pro còn Xiaomi vén màn… AirDots. Cuối cùng là nhà sản xuất dẫn đầu thị trường âm thanh: Sony. Tính từ ngày Apple ra mắt AirPods tới nay, Sony đã có ít nhất 3 mẫu True Wireless khác nhau, trong đó có Xperia Duo từng được tặng kèm XZ3 bán tại Anh.
Ngay cả các tên tuổi Trung Quốc cũng tích cực tham gia vào trào lưu mới.
Không chỉ có tai nghe
Không chỉ có tai nghe, các hãng smartphone đang tìm cách mở rộng trải nghiệm di động ra nhiều loại thiết bị khác nhau. Đáng chú ý và quy mô nhất là wearable, thị trường bao gồm smartwatch và các thiết bị vòng đeo luyện tập. Tính đến quý 4 năm vừa rồi, 4 trong số 5 tên tuổi đứng top thị trường wearable cũng lại là những tên tuổi thống trị thị trường smartphone: Apple, Xiaomi, Huawei và Samsung. Với Apple Watch, Apple thậm chí còn nắm giữ ngôi vị số 1 của thị trường đồng hồ suốt từ 2017 tới nay.
Các loại thiết bị thông minh mang vai trò “bổ trợ smartphone” khác cũng được phát triển mạnh. Trong vòng nhiều năm, Samsung mang tặng người mua smartphone dòng S và Note các phụ kiện cao cấp như dock/cáp “biến hình” DeX, đế sạc không dây hay kính thực tại ảo Gear VR. Theo các tin rò rỉ, và theo bằng sáng chế của Apple, rất có thể hãng này đang phát triển kính thực tại ảo của riêng mình để tạo ra “cú sốc” vào năm 2020.
Mở rộng trải nghiệm ra ngoài chiếc smartphone là điều mà Samsung đã cố gắng làm trong nhiều năm qua.
Rõ ràng là trên khắp thế giới, một trào lưu rõ rệt từ các nhà sản xuất smartphone đang hình thành: không chỉ bán smartphone, giờ họ muốn bành trướng trên thị trường phụ kiện đắt đỏ. Nguyên nhân cho trào lưu này là gì?
Bị ép phải lấn sân
Trong quý 4 vừa qua, doanh thu của Apple chỉ đạt vỏn vẹn 84 tỷ USD. Điều mà cả ngành công nghiệp smartphone lo sợ cuối cùng cũng đã đến: thị trường smartphone đã thực sự bão hòa, bao gồm cả phân khúc cao cấp vốn từng được hy vọng sẽ là con gà đẻ trứng vàng… vĩnh viễn.
Đây là vấn đề không chỉ của riêng Apple. Năm 2018, tổng lượng smartphone trên toàn cầu lần đầu tiên suy giảm (Counterpoint Research). Một trong những lý do được nhiều người dùng đưa ra nhất là bởi smartphone ngày nay không đủ thuyết phục để họ mua mới. Với riêng Apple, chu kỳ mua mới của người dùng iPhone thậm chí còn tăng từ 3 lên 4 năm.
Chán iPhone thì mua gì? Câu trả lời: AirPods, Watch, kính VR…
May mắn thay, sức mua bão hòa cũng chính là tiền đề để phụ kiện bùng nổ. Cũng chính trong quý 4 vừa rồi, doanh thu mảng “Sản phẩm khác” của Apple – bao gồm Watch, AirPods cùng một số dòng sản phẩm khác – tăng mạnh để chạm tới mốc 7,3 tỷ USD, vượt mặt cả iPad. Cũng trong kỳ họp cổ đông này, Apple tuyên bố có tới 900 triệu iPhone vẫn đang được sử dụng thường xuyên. Cổ phiếu ngay lập tức tăng mạnh, bất chấp việc doanh số iPhone đã sụt giảm ở mức 2 chữ số so với cùng kỳ 2017.
Bởi 900 triệu chiếc iPhone đang lưu hành là tiềm năng khổng lồ dành cho AirPods, cho Apple Watch và cho cả chiếc kính VR mà Apple có thể đang ấp ủ. 12 năm sau ngày Steve Jobs vén màn iPhone, trải nghiệm chiếc “modern smartphone” thực sự đã đi vào lối mòn. Những tính năng mới đã không còn khả năng cuốn hút người dùng – đi tìm niềm vui mới bên ngoài những chiếc di động sẽ là bước tiến tất yếu tiếp theo của thị trường di động.
Theo Trithuctre