Từ lâu, một bộ sưu tập nhạc chất lượng cao luôn là mơ ước của những tín đồ của âm thanh kĩ thuật số. Nhưng điều gì thực sự làm nên chất lượng của nhạc Hi-Res ? Làm sao để tìm nguồn nhạc tốt ? Và bạn cần thiết bị gì để thưởng thức chúng ? Tất cả sẽ được giải thích chi tiết trong bài viết này.
Nếu bạn có, dù chỉ là đam mê nho nhỏ cho “nhạc số” – và dù bạn nghe nhạc bằng đĩa CD hay nghe qua Smartphone, bạn chắc hẳn đã nghe đến cụm từ “Hi-Res Audio“.
Định nghĩa về Hi-Res Audio
Trong vài năm vừa qua, âm thanh Hi-Res đã dần chiếm được vị thế trong thị trường âm nhạc trực tuyến, nhờ vào sự ra mắt của nhiều bản thu âm và album nhạc với logo Hi-Res Audio. Tại sao bạn nên quan tâm tới cái logo này ? Nếu bạn muốn có được những trải nghiệm âm nhạc tốt nhất, hay chỉ là nâng cấp chất lượng âm thanh tốt hơn so với nhạc mà bạn đang dùng, thì âm thanh Hi-Res vẫn rất đáng để trải nghiệm.
Không như Video và Phim độ phân giải cao, âm thanh Hi-Res lại khó có thể đo đạc cụ thể. Vì vậy, Japan Electronics và Hiệp hội Công nghệ Thông tin Nhật Bản (JEITA), cùng với các hãng thu âm, đã công nhận thuật ngữ “High-Resolution Audio” như một tiêu chuẩn âm thanh chất lượng cao. Về mặt kỹ thuật, Âm thanh Hi-Res là một tập hợp các định dạng và quá trình xử lý kĩ thuật số cho phép mã hóa và phát nhạc với tần số lẫy mẫu và độ sâu dữ liệu vượt ngưỡng tiêu chuẩn 44.1kHz & 16 bit của CD.
Cụ thể,
Tần số lấy mẫu (Sampling Rate) là số lần lấy mẫu tín hiệu trên mỗi giây trong quá trình chuyển đổi tín hiệu analog sang digital, thể hiện độ chi tiết của bản mã hoá.
Độ sâu dữ liệu (Bit Depth)
Nếu hệ thống mã hoá càng nhiều “bits” thì tín hiệu thu được càng giống bản thu gốc, tức là cho ra bản nhạc càng chính xác. Do đó chuyển từ nhạc 16-bit sang 24-bit có thể là ra một bước nhảy vọt về chất lượng âm thanh.
Thường thì chúng ta thấy các bản nhạc có chất lượng cao được mã hoá là 96kHz hay 192kHz tại 24-bit. Nhưng đôi khi ta cũng có thể gặp những bản thu âm có tần số lấy mẫu 88.2kHz hay 176.4kHz.
Âm thanh Hi-Res đi kèm với một nhược điểm: đó là kích thước tập tin rất lớn, có thể lên đến hàng trăm megabytes, như vậy chỉ cần một album Hi-Res là đủ chiếm hết bộ nhớ trên điện thoại của bạn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nhạc Hi-Res rất khó để truyền trực tuyến qua mạng Wi-fi hoặc mạng di động, vì vậy Spotify hay Apple Music không hỗ trợ tiêu chuẩn này. Rất may, việc lưu trữ dữ liệu ngày nay rẻ hơn nhiều so với trước đây, do đó ta có thể tải và lưu trữ kho nhạc của mình với các loại ổ cứng và thẻ nhớ dung lượng lớn.
Có nhiều định dạng tệp tin âm thanh Hi-Res khác nhau để ta lựa chọn, tất cả đều có yêu cầu về khả năng tương thích phần cứng và phần mềm riêng. Các định dạng này bao gồm FLAC (Free Lossless Audio Codec), ALAC (Apple Lossless Audio Codec), WAV, AIFF, DSD (Direct Stream Digital) và MQA (Master Quality Authenticated).
Sau đây là phần so sánh nhanh về các định dạng nhạc phổ biến:
- MP3: Định dạng nén thông dụng, đảm bảo kích thước tệp tin nhỏ, thuận tiện để lưu trữ âm nhạc trên Smartphone và máy nghe nhạc, nhưng không cho chất lượng âm thanh tốt nhất.
AAC: Một phiên bản khác của MP3, cũng không đạt độ phân giải cao vì file đã được nén, nhưng tái tạo âm thanh tốt hơn MP3. Đây là định dạng được sử dụng cho iTunes, nguồn nhạc Apple Music (ở dạng 256kbps) và nhạc trên YouTube.
• WAV (Hi-Res): là định dạng tiêu chuẩn của tất cả các đĩa CD và các bản thu âm, được mã hoá với chất lượng âm thanh hoàn hảo, nhưng file không được nén, nghĩa là các tệp này có kích thước rất lớn (đặc biệt là cho các tệp tin chất lượng cao).
• AIFF (Hi-res): là định dạng Lossless được Apple sử dụng để thay thế cho WAV. Do có kích thước tập tin rất lớn nên AIFF không phổ biến rộng rãi.
• FLAC (Hi-res): đây là định dạng nén Lossless, cho ra âm thanh chất lượng cao dù dung lượng chỉ bằng một nửa của WAV. Hiện nay rất nhiều mẫu điện thoại và máy nghe nhạc hỗ trợ FLAC (trừ các sản phẩm của Apple).
- ALAC (Hi-res): Định dạng Lossless được Apple phát tiển và sử dụng, cũng có độ phân giải cao, chỉ có dung lượng bằng một nửa WAV và còn nhẹ hơn FLAC. Vì vậy, ALAC hết sức thân thiện với iTunes và iOS.
• DSD (Hi-res): Định dạng Hi-Res tốt nhất, lưu trữ đầy đủ tín hiệu âm thanh và được sử dụng cho SuperAudio CDs. Nếu bạn yêu cầu trải nghiệm âm thanh chuyên nghiệp nhất, bạn nên đầu tư một bộ thiết bị âm thanh cao cấp, để có thể tận dụng hết sức mạnh của file nhạc DSD.
• MQA (Hi-res): Một định dạng nén Lossless được sử dụng bởi Tidal Masters, định dạng này có chất lượng tốt nhưng chỉ hỗ trợ một số sản phẩm.
Vậy nghe nhạc Hi-Res có gì hay ? Mỗi người có một đôi tai khác nhau với khả năng nghe khác nhau, một số chuyên gia sừng sỏ trong ngành kĩ thuật âm thanh có thể lập tức phân biệt sự khác nhau giữa nhạc lossless và lossy (ví dụ như ông sếp của tôi). Ta có thể khẳng định rằng những file âm thanh chất lượng cao truyền tải bài nhạc với nhiều chi tiết hơn, thể hiện tốt khả năng bóc tách các nhạc cụ trong đoạn cao trào của bài hát, tái hiện rất thật tiếng lấy hơi của ca sĩ, tiếng rung của đây đàn guitar. Tất cả những yếu tố ấy làm trải nghiệm âm thanh trở nên sống động hơn, giá trị hơn, cảm giác giống như âm thanh hiện hữu ngay trước mắt ta vậy. Tất nhiên, để thưởng thức trọn vẹn chất lượng của âm thanh Hi-Res, ta còn cần phải đầu tư rất nhiều vào nguồn phát nhạc và thiết bị chơi nhạc.
Nguồn phát
Nhìn chung bạn có thể lựa chọn rất nhiều thiết bị để thưởng thức nhạc Hi-Res, tùy thuộc vào hầu bao bạn có, tùy cách phối ghép đơn giản hay phức tạp và còn phụ thuộc vào thiết bị nghe nhạc của bạn là headphone hay dàn âm thanh. Dưới đây là tóm tắt danh sách các sản phẩm hỗ trợ Hi-Res
-
Smartphone
Nếu bạn muốn tận hưởng âm thanh chất lượng cao và thích phong cách tối giản, tiện lợi, thì smartphone chính là lựa chọn tối ưu. Hiện nay, có rất nhiều mẫu flagship Android được trang bị chip xử lý âm thanh DAC rời, có khả năng giải mã các định dạng nhạc cao cấp. Đây mà một số mẫu các bạn có thể tham khảo:
- Onkyo Granbeat
- Marshall London
- LG V10, LG V20, LG V30, LG G5 và LG G6
- Sony XZs và XZ Premium
- HTC 10 và HTC U11plus
- ZTE Axon 7 và Axon 7s
Mặc dù các mẫu điện thoại từ nhà Táo hiện giờ đã bị loại bỏ jack tai nghe 3.5, tuy nhiên nếu bạn sở hữu một chiếc iPhone, bạn vẫn có thể nghe nhạc Hi-Res bằng cách xuất tín hiệu từ máy ra DAC ngoài để chuyển đến tai nghe.
-
Máy nghe nhạc
Những chiếc máy này được thiết kế tối ưu cho nhu cầu thưởng thức âm thanh, vì vậy đương nhiên đây là thiết bị nghe nhạc tốt nhất dành cho dân audiophile chuyên nghiệp. Máy nghe nhạc có thiết kế nhỏ gọn, hỗ trợ dung lượng bộ nhớ cao, với các nút điều khiển nhạc riêng biệt, chắc chắn sẽ đem lại cho bản trải nghiệm âm thanh tốt nhất. Một số máy nghe nhạc nổi bật là các mẫu tầm trung mang thương hiệu Walkman từ Sony, hay những máy đầu bảng của Astell&Kern. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn mua những sản phẩm giá phải chăng hơn từ Fiio hay Shanling.
-
Máy vi tính
Đây là thiết bị phù hợp để lưu trữ cả kho nhạc đồ sộ của bạn, vì vậy cũng khá tiện lợi khi tận dụng luôn máy tính làm nguồn phát nhạc. Và bạn đừng quên chọn phần mềm chơi nhạc phù hợp để chạy được các định dạng nặng như DSD. Tuy nhiên, không phải máy tính nào cũng được tích hợp chip DAC chuyên xử lý âm thanh, nếu máy tính của bạn rơi vào trường hợp trên, bạn có thể nối line out ra DAC tương tự như trên iPhone để nghe nhạc một cách chất lượng nhất. Bạn có thể tham khảo một số mẫu DAC tốt như Chord Mojo hay AudioQuest Dragonfly.
-
Máy quay đĩa
Một chiếc máy giải mã nhạc cực kỳ hiện đại lại rất độc đáo, máy quay đĩa sẽ giúp bạn Rip tín hiệu âm thanh trực tiếp từ đĩa Vinyl và xuất ra dưới dạng Hi-Res. Nếu bạn cảm thấy hứng thú, hãy thử tham khảo Sony Ps-Hx500 và Audio Technica AT-LP7.
Headphone Hi-Res
Mặc dù Hi-Res Audio là một chuẩn âm thanh quan trọng đối với các bản thu âm và các thiết bị nguồn phát, tuy nhiên tiêu chuẩn này lại không mang nhiều ý nghĩa đối với các loại tai nghe. Lí do đến từ những khó khăn trong việc đo đạc thông số tai nghe để đưa ra đánh giá về chất lượng âm thanh. Vì vậy bạn không nhất thiết phải chọn một mẫu tai nghe có dán tem vàng Hi-Res để có thể nghe được nhạc chất lượng cao, điều quan trọng đến từ đôi tai và khẩu vị âm nhạc của bạn. Dù sao, nghe nhạc cũng là một trải nghiệm mang tính chủ quan, chỉ cần bạn nghe thấy hay, thấy vui, thấy hạnh phúc và cảm nhận được sức sống từ bản nhạc, là bạn đã sở hữu bộ nghe nhạc hoàn hảo rồi.
Hi vọng rằng bài viết trên đây của Tin Tức Audio đã cung cấp cho các bạn chút thông tin bổ ích, để có thể đưa ra quyết định sáng suốt trong việc đầu tư vào các thiết bị âm thanh chất lượng cao.
Nguồn: What Hi-Fi