Mở Hộp Airdots
Hộp của sản phẩm Xiaomi AirDots
Mặt sau là một số thông tin về sản phẩm và tem cào kiểm tra hàng giả
Bên trong hộp gồm có tai nghe, hộp sạc, cáp microUSB và mút tai thay thế
Về thiết kế
Đặc điểm nổi bật nhất của Xiaomi AirDots so với những tai nghe bluetooth khác trong cùng tầm giá đó là AirDots là tai nghe “true wireless”. “True wireless” thuật ngữ mô tả loại tai nghe với hai tai trái/phải tách biệt hoàn toàn, không có dây nối giữa hai chiếc tai nghe này. Trào lưu true wireless bắt đầu nổi lên với AirPods, kể từ đó đã có nhiều nhà sản xuất tung ra sản phẩm của mình, tuy nhiên đa phần giá đều khá cao (từ 2-3 triệu trở lên). AirDots là tai nghe true wireless hiếm hoi trên thị trường với mức giá dưới 1 triệu.
AirDots là dạng tai nghe nhét tai và nằm gọn trong vành tai của người dùng, chứ không phải dạng “EarPods cắt dây” như AirPods. Thiết kế này của AirDots giúp khả năng cách âm tốt hơn đáng kể so với AirPods, tuy nhiên nếu không quen thì sẽ tạo cảm giác hơi “bí bách” và có thể khiến lỗ tai bị đau nếu sử dụng trong thời gian dài. Dù sao với AirDots, người dùng có thể thay đầu mút tai nghe để tạo cảm giác đeo vừa vặn hơn, một điều mà AirPods không làm được.
AirDots (trái) và AirPods (phải)
AirDots bao gồm hai chấu vàng để sạc
Đầu mút tai nghe có thể được thay thế
Về tính năng
AirDots sử dụng công nghệ Bluetooth 5.0 mới nhất, thậm chí còn mới hơn cả chuẩn Bluetooth 4.0 của AirPods. Công nghệ này giúp cho AirDots tiết kiệm pin và mở rộng khoảng cách hơn. AirDots cũng được tích hợp microphone nhằm nhận cuộc gọi, tuy nhiên chất lượng thu âm không thật sự tốt. Ngoài ra, bề mặt của AirDots cũng hỗ trợ cảm ứng, cho phép người dùng chơi/tạm dừng nhạc, nhận cuộc gọi và kích hoạt trợ lý ảo (trợ lý ảo tùy thuộc vào hệ điều hành của thiết bị, ví dụ như với iPhone là Siri).
Mặt lưng của AirDots là bề mặt cảm ứng, ngoài ra còn là đèn LED nhỏ thông báo tình trạng kết nối
Bề mặt cảm ứng của AirDots cho phép người dùng chơi/tạm dừng nhạc, nhận cuộc gọi và kích hoạt trợ lý ảo
Kết nối
Để kết nối với AirDots, người dùng chỉ cần pair với một bên tai bất kỳ (ví dụ trong trường hợp này là tai phải, tên thiết bị MI AIRDOTS BASIC_R) là cả hai tai sẽ đều hoạt động. Trên thực tế, nếu người dùng cố pair cả hai tai thì tai nghe sẽ không hoạt động được. Do là một sản phẩm dành riêng cho thị trường Trung Quốc, vậy nên tất cả các thông báo phát vào tai người dùng khi pair/unpair AirDots sẽ đều là tiếng Trung.
Người dùng chỉ cần pair với một bên tai là có thể sử dụng được AirDots
Thời lượng pin
Đi kèm mỗi chiếc tai nghe true wireless dạng này là một hộp sạc. Hộp sạc của AirDots màu trắng, khá nhỏ gọn nhưng vẫn lớn hơn AirPods. AirDots cũng có nam châm ở khay đặt tai nghe và nắp hộp, tuy nhiên cảm giác khi đặt tai nghe vào hộp, cũng như khi đóng mở hộp cũng không “đã” bằng AirPods. Tuy nhiên, đây chỉ là phàn nàn nhỏ vì giá của AirDots rẻ hơn AirPods rất nhiều. Điểm đáng tiếc nhất có lẽ là việc hộp sạc của AirDots sử dụng cổng kết nối microUSB thay vì USB-C.
Hộp sạc của AirDots
Tiếc rằng, hộp sạc này vẫn sử dụng cổng microUSB thay vì USB-C
Thời lượng pin có lẽ là điểm yếu lớn nhất của AirDots. Viên pin bên trong mỗi chiếc AirDots có dung lượng 40mAh, bằng một nửa so với con số 93mAh của AirPods. Qua thử nghiệm nghe nhạc liên tục, AirDots trụ được khoảng 2.5 tiếng – một con số không tệ, nhưng cũng không cao.
Hộp sạc của AirDots có dung lượng 300mAh và có thể sạc 3 lần cho chiếc AirDots. Như vậy, theo phép toán tương đối, một chiếc AirDots kèm hộp sạc có thể đem đến thời gian nghe tổng cộng là 7.5 tiếng, thực tế đủ trong khoảng 1-2 ngày với cường độ nghe thông thường. So sánh với AirPods, thời lượng pin của AirDots kém hơn nhiều.
Giá bán
Mức giá tham khảo của AirDots tại Việt Nam là khoảng 1 triệu đồng, cao hơn giá gốc của Xiaomi khoảng 300.000 đồng. Giải thích cho việc này, nhiều thương gia kinh doanh đồ Xiaomi cho biết đây là sản phẩm đang rất hot tại Trung Quốc, mức giá bị đẩy cao nên họ cũng không thể mua được với giá gốc của Xiaomi. Trên thực tế ngay tại Việt Nam, AirDots cũng đang được người dùng ưa chuộng và hỏi mua nhiều.
Nhìn chung, AirDots không hoàn hảo và vẫn còn những điểm trừ. Nhưng với mức giá rẻ, đây là một sản phẩm đáng để người dùng trải nghiệm, đặc biệt là khi có ngày càng nhiều điện thoại bỏ jack tai nghe và thôi thúc người dùng tìm mua một chiếc tai nghe không dây bluetooth.
Theo Genk