Nếu bạn đang muốn chọn mua cho mình những đôi tai nghe phù hợp, bạn nên thử tìm hiểu về cấu tạo cũng như nguyên lý hoạt động của chúng. Từ đó, ta có thể hiểu sâu hơn và dễ dàng hơn về trải nghiệm âm thanh đặc trưng trên các loại tai nghe. Bộ phận quan trọng nhất trong tai nghe không gì khác chính là Driver, và đó cũng là nhân vật chính trong bài viết ngày hôm nay.
Driver là gì ?
Driver còn được gọi là củ loa, là bộ phận làm nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu âm thanh thành dao động không khí để thính giác của con người có thể tiếp nhận được. Driver dùng trong tai nghe bao gồm 5 loại chính:
- Driver màng loa tịnh tiến (Dynamic)
- Driver BA (Balanced Armature)
- Driver từ phẳng (Planar Magnetic)
- Driver tĩnh điện (Electrostatic)
- Driver Truyền âm qua xương (Bone Conductor)
Các loại driver trên không chỉ khác nhau về cấu tạo, kích thước, giá thành mà mỗi loại còn có chất âm riêng biệt. Không những vậy, các nhà sản xuất còn có thể tích hợp nhiều Driver vào trong cùng một đôi tai nghe để có thể kiểm soát và cải thiện chất âm của từng dải tần. Trong bài này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về từng loại Driver và đặc điểm của chúng.
Driver Dynamic
Đây là loại Driver được sử dụng phổ biến nhất trên các loại tai nghe, một phần do chi phí sản xuất rẻ và dễ lắp đặt. Driver Dynamic hoạt động bằng sự tương tác giữa nam châm và lực điện từ của cuộn dây thoại. Hai bộ phận này chuyển động qua lại dựa trên tín hiệu nguồn phát và truyền lực tương tác ấy lên màng loa, tạo ra dao động âm thanh.
Ưu điểm
- Nhờ vào cơ chế hoạt động đơn giản nên Driver Dynamic hoạt động khá hiệu quả, không cần nguồn phát mạnh mà vẫn tạo ra được âm lượng lớn. Cùng với đó là chi phí sản xuất rẻ và dễ chế tạo lắp đặt, nên đây là loại Driver được sử dụng phổ biến nhất trên các loại tai nghe.
- Màng loa Dynamic có diện tích tiếp xúc với không khí lớn, nên tạo được dao động mạnh hơn ở tần số thấp, giúp tạo ra âm Bass rất tốt.
Nhược điểm
- Driver này có nhược điểm lớn là bị méo âm ở âm lượng cao. Tuy nhiên vấn đề này có thể được xử lý dưới bàn tay của những kỹ sư âm thanh giỏi. Minh chứng cho điều này là một loạt các dòng tai nghe cao cấp đến từ Sennheiser hay Sony, chúng đều sử dụng Driver Dynamic và cho ra chất lượng âm thanh tuyệt vời.
Driver BA (Balanced Armature)
Loại driver này có kích thước chung nhỏ hơn nhiều so với Driver Dynamic, vì vậy chúng chỉ xuất hiện trong dòng tai In-Ear-Monitor. Đồng thời cơ chế hoạt động của Driver BA cũng phức tạp hơn.
Driver BA gồm một thanh kim loại, có dây thoại cuốn quanh và nằm kẹp giữa hai nam châm. Phần đầu của thanh kim loại được nối với màng loa. Khi tín hiệu điện tử chạy qua cuộn dây tạo ra từ trường, thanh kim loại sẽ bị nhiễm từ và di chuyển tương tác qua lại giữa hai nam châm. Sự di chuyển của thanh kim loại truyền lực đến màng loa, làm màng dao động tạo ra âm thanh.
Ưu điểm
- Loại driver này có thể được chỉnh âm để chuyên xử lý một khoảng tần số âm thanh cụ thể, đặc biệt là dải Mid và Treble. Vì vậy, các nhà sản xuất thường sử dụng kết hợp nhiều Driver BA vào trong cùng một tai nghe nhằm tạo ra độ chi tiết âm cao hơn. Không những vậy, driver BA còn có thể được dùng chung với Driver Dynamic để cải thiện dải Bass. Một ví dụ điển hình của sự kết hợp này là chiếc 1More Triple Driver
- Điểm mạnh thứ hai của Driver BA là mang đến khả năng cách âm tốt hơn cho tai IEM. Nguyên nhân là vì cơ chế hoạt động khác Driver Dynamic, Driver BA không cần phải đẩy khí để tạo ra dao động âm thanh. Vì thế, tai nghe dùng Driver này không cần đến lỗ thông hơi trên housìng, từ đó cho khả năng chống ồn tốt hơn
Nhược điểm
- Giá thành của Driver BA cao hơn Dynamic
- Cần sự hỗ trợ của Driver Dynamic để có thể chơi tốt âm thanh tần số thấp
Trên đây là hai loại Driver phổ thông nhất được sử dụng trên các loại tai nghe. 3 loại Driver công nghệ cao còn lại bao gồm Driver Từ Phẳng, Tĩnh Điện và Bone Conductor sẽ được phân tích kỹ hơn trong phần 2 của bài viết. Xin mời các bạn đón đọc !