10 nguyên nhân làm hỏng tai nghe

0
1951

Mọi chiếc tai nghe thường có tuổi thọ cao hơn nhiều so với điện thoại máy tính. Tuy nhiên đây cũng vẫn là món đồ điện tử mong manh và một ngày nào đó nó sẽ hỏng. Cũng dễ hiểu thôi bởi chúng là những thiết bị nhỏ bé với hàng tá linh kiện nhỏ li ti bên trong. Tuy nhiên, nếu những chiếc tai nghe của bạn thường xuyên “ra đi” khi chưa được một năm tuổi thì có lẽ là có gì đó “sai sai” ở đây.

final, e2000, e3000, tai nghe, hi res, tintucaudioNếu biết cách giữ gìn và bảo vệ thì cho dù bạn đang sử dụng một chiếc tai nghe giá chỉ 10 USD hay một chiếc tai nghe giá 250 USD, chúng cũng sẽ có thể hoạt động tốt trong ít nhất 2 năm. Dưới đây là 10 lỗi cơ bản mà người dùng thường mắc phải khiến tai nghe “chết yểu”, tổng hợp của trang công nghệ MakeUseOf.

1. Dẫm lên dây

Dây của tai nghe thường khá dài, có khi lên đến 3 mét đối với những chiếc tai nghe cao cấp như ATH-M30x, SRH440 và MDRV6. Tai nghe có dây ngắn hiện cũng có độ dài khoảng 1,2 mét. Trong quá trình sử dụng, chắc chắn sẽ có lúc bạn để dây nằm trên sàn nhà, trên giường… thay vì cuộn nó lại và vô tình dẫm chân lên, hoặc nằm đè lên dây tai nghe. Tệ hơn nữa, nếu bạn sử dụng khi ngồi ghế thì có thể chân ghế vô tình đè lên sợi dây mỏng manh này. Thế là xong!

2. Để dây ở cạnh bàn, cạnh giường

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng khi để dây ở các cạnh của đồ vật như thế này sẽ làm dây bị bẻ cong một góc 90 độ, tạo nên áp lực lên các sợi dây nhỏ bên trong ngay tại nơi bị bẻ cong. Bạn thấy cái ghim bấm chứ? Bẻ đi bẻ lại vài lần, nó sẽ gãy. Dây tai nghe cũng vậy đấy.

3. Quên mất là bạn đang dùng tai nghe

focal, elegia, tai nghe, cao cấp, tintucaudio

Lỗi này khá nhiều người mắc phải, đặc biệt là các game thủ. Nhiều khi bạn đang trong một trận Counter-Strike hoặc DOTA kịch tính và thấy “hơi tức bụng”, thế là ngay sau khi trận đấu kết thúc bạn “phi” thẳng vào nhà vệ sinh mà quên đặt tai nghe xuống. Lúc này có hai trường hợp xảy ra: một là bạn làm đứt dây và hai là bạn bị ngã sấp mặt hoặc có khi là cả hai. Với những tai nghe chất lượng có thể một hoặc hai lần như vậy chưa nhằm nhò gì, nhưng đến lần thứ ba, thứ tư… đảm bảo bạn sẽ được thay tai nghe mới thôi.

4. Thắt dây tai nghe

Nếu thường xuyên lướt Facebook chắc bạn chẳng lạ gì với những thủ thuật thắt dây tai nghe sao cho khỏi rối. Tốt nhất là bạn nên bỏ qua chúng, ngay và luôn, đặc biệt nếu bạn đang sử dụng loại tai nghe nhét tai (earbud). Tại sao? Bởi những “thủ thuật” thắt dây như trên thường bảo bạn phải cuộn nhiều vòng dây với những nút thắt tương đối chặt, vô tình sẽ làm ảnh hưởng đến độ bền của các sợi dây bên trong.

Hãy ghi nhớ trong đầu là: Đừng bao giờ thắt nút. Tránh cuộn những vòng dây chặt. Càng lỏng càng tốt.

Đối với các loại tai nghe nhét tai, cách tốt nhất là cuộn dây quanh một lõi giấy toilet và nhét jack cắm cùng tai nghe vào hai đầu của lõi giấy.

Đối với các loại tai nghe trùm đầu, bạn có thể sử dụng phương pháp “gói hàng” như trong clip bên dưới, ấn hai đầu của vòng tròn để tạo thành hình số 8 và sau đó cố định nó với một sợi dây cao su.

5. Không dùng túi bảo vệ

Đừng bao giờ ném chiếc tai nghe của bạn vào túi xách, balo, ví, hay bất kỳ thứ gì bạn dùng để đựng đồ mà không có túi bảo vệ. Bởi dù bạn cẩn thận đến mức nào thì trên đường đi, đồ đạc trong túi cũng sẽ rối tung lên, khiến dây tai nghe bị kéo, vặn, xoắn, đè… hoặc bất kì tình huống xấu nào bạn có thể nghĩ đến.

Chưa kể đến việc nếu bạn còn đang cắm tai nghe vào điện thoại thì những va chạm kia có thể làm hỏng điểm kết nối, trừ khi điểm kết nối của tai nghe có dạng chữ L thì nguy cơ này có thể được giảm bớt đôi chút.

Do đó, bạn nên cho tai nghe vào túi bảo vệ mỗi khi có thể. Nếu tai nghe có dây tháo rời được thì bạn nên cho cả dây cả tai nghe vào túi “cho ấm”. Bạn có thể mua các loại túi cứng nếu dư dả, còn nếu túi tiền không cho phép thì bạn cũng nên đầu tư một chiếc túi mềm, có còn hơn không.

6. Kéo dây thay vì kéo đầu cắm lúc rút tai nghe ra khỏi jack cắm

Bạn còn nhớ điểm số 3 ở trên chứ? Áp lực có thể khiến các sợi dây nhỏ bên trong thân dây bị hỏng. Còn trong trường hợp này, khi bạn cầm thân dây để rút tai nghe ra khỏi jack cắm, bạn còn vô tình tạo thêm một áp lực “nho nhỏ” nữa lên điểm tiếp xúc giữa dây và đầu cắm. Nếu thói quen này tiếp diễn, không sớm thì muộn dây cũng sẽ bị tách rời khỏi đầu cắm.

Đối với các loại tai nghe nhét tai, việc kéo dây như vậy còn gây ra một tình huống là làm đứt dây một bên tai nghe, do đó đừng ngạc nhiên nếu một sáng thức dậy bạn chỉ còn nghe được một bên tai nhé.

Bạn nên hạn chế thói quen xấu này bằng cách sử dụng các loại tai nghe có đầu cắm chữ L – vốn được thiết kế để không thể rủt ra được nếu kéo bằng thân dây.

7. Sử dụng tai nghe trong môi trường ẩm và mồ hôi

Bạn nên ghi nhớ điều tối quan trọng khi sử dụng thiết bị điện tử là: đồ điện tử và nước không bao giờ đi chung với nhau. Nếu nước có thể “nướng chín” điện thoại hay laptop, thì nó cũng sẽ làm điều tương tự nếu lọt vào trong tai nghe.

Mồ hôi cũng vậy, nếu bạn nghe nhạc trong khi tập luyện. Bạn có thể đeo băng đầu để hạn chế mồ hôi, nhưng tốt nhất là hãy tháo tai nghe ra khi tập luyện, hoặc “tậu” ngay một cặp tai nghe thiết kế dành riêng cho thể thao. Chất lượng âm thanh của loại tai nghe này có thể không phải là đỉnh nhất, nhưng nó chống mồ hôi, do đó bạn sẽ không phải “lăn tăn” gì cả.

Bên cạnh đó, bạn nên tránh sử dụng tai nghe khi đang đi dưới mưa hoặc vừa từ phòng tắm đi ra. Nước sẽ ngấm vào tai nghe (tất nhiên), đồng thời độ ẩm cao sẽ khiến các linh kiện bên trong tai nghe xuống cấp nhanh hơn đấy.

8. Vừa đeo tai nghe vừa ngủ

Lỗi này chúng tôi có thể khẳng định 90% số người dùng mắc phải. Tuy nhiên hãy nhớ rằng lúc ngủ bạn chẳng biết gì, bạn có thể lăn qua lăn lại, cuộn tròn, vươn vai…, và vô tình bạn sẽ đụng phải dây tai nghe, hành hạ nó giống như ở điểm 5 nêu trên vậy. Nếu đầu bạn hơi to một chút thì có thể bạn còn vô tình đè lên tai nghe khiến nó nứt, gãy trong quá trình ngủ.

Do đó, khi đi ngủ tốt nhất bạn nên tránh dùng tai nghe và chuyển sang dùng các loại loa ngoài. Nếu không có điều kiện sử dụng loa ngoài thì bạn nên xem xét đến việc mua một cặp tai nghe nhét tai không dây nhé.

9. Tăng âm lượng quá lớn

Mọi thiết bị âm thanh đều hoạt động với nguyên tắc tạo ra sóng âm thanh, mà sóng âm thanh thì được tạo ra do các rung động, âm thanh càng lớn, rung động càng mạnh. Nếu bạn tăng âm lượng quá lớn thì sự rung động này sẽ làm biến dạng các bộ phận tạo âm.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Đầu tiên, bạn sẽ không còn nghe được một vài tần số âm nhất định, âm thanh phát ra sẽ nhỏ hơn và xuống cấp, các linh kiện bên trong cũng sẽ trở nên “rời rạc” hơn bình thường, hoặc tệ hơn là âm thanh bị biến dạng.

10. Quá quan trọng về giá cả

Cần khẳng định một câu ông cha ta đã nói từ xưa: “tiền nào của nấy”. Có thể một chiếc tai nghe giá cao không phải là chiếc tai nghe tốt nhất (tai nghe Apple và Beats là một ví dụ). Có thể những sản phẩm giá rẻ hơn lại được gia công tốt hơn và bền hơn. Nhưng nhìn chung thì, “tiền nào của nấy”!

Bạn có thể giữ gìn một chiếc tai nghe giá rẻ để dùng được vài năm, nhưng nếu không thì bạn cũng đừng ngạc nhiên quá khi thấy chiếc tai nghe 20 USD “hàng nhập khẩu” của mình ra đi chỉ sau 3 tháng sử dụng. Bởi bạn cần nhiều tiền hơn thế nếu muốn sở hữu một chiếc headphone với chất liệu tốt, thiết kế thông minh và chất lượng đảm bảo. Bạn muốn rẻ, bạn phải chấp nhận hi sinh.

Cuối cùng, bạn nên xem xét chuyển qua sử dụng headphone không dây

Hầu như mọi lỗi nêu trên đều liên quan đến sợi dây tai nghe, chứ không phải liên quan đến phần thân tai nghe. Do đó, có thể suy ra được một điều cơ bản rằng: nếu bạn có thể bỏ qua sợi dây tai nghe thì chắc chắn chiếc headphone của bạn sẽ “trụ” được lâu hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu bạn định mua tai nghe không dây thì nên nghiên cứu kỹ vì tai nghe không dây cũng có đủ loại “thượng vàng hạ cám” và chọn mua tai nghe không dây còn khó hơn nhiều so với loại có dây nhé.

Theo VnReview

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here