1 Like cho sự can đảm và tình yêu chân chính của fanboy dành cho AirPods cũng như Apple.
Không biết tại nước ta thế nào, chứ cư dân mạng quốc tế đang đồn ầm lên về một anh chàng dùng tay mò toilet để cứu vãn một chiếc AirPod quý giá của mình đây. Điều đáng nói là chiếc AirPod đã… bị kẹt trong một bãi “mìn” thực thụ, được anh ta thò tay không vào lôi ra!
Hsu – hiện đang sống tại Đài Loan – cho biết đã vô tình nuốt phải chiếc AirPod này trong lúc ngủ (nghe cũng gần giống một vụ vừa xảy ra vào tuần trước). Sau một đêm ngủ say đẫy giấc, Hsu tỉnh dậy, thấy bên AirPod của tai phải bỗng bốc hơi như bị Thanos búng tay. Khó hiểu hơn, tín hiệu kết nối dò tìm tai nghe từ iPhone của anh vẫn đang định vị nó ở trong phòng một cách bí ẩn, chẳng lẽ là một chiều không gian song song khác?
“Dữ liệu cho thấy nó vẫn ở trong cùng phòng với tôi, lại còn kêu ‘bíp bíp’ ở đâu đó mỗi khi tôi dùng chức năng phát tín hiệu tìm kiếm. Đi tới đâu tôi cũng nghe tiếng đó, vô cùng khó hiểu. Cuối cùng, mãi tôi mới nhận ra nó xuất phát từ trong bụng mình,”Hsu chia sẻ.
Tương tự như cách giải quyết thông thường, Hsu hộc tốc tới bệnh viện Cao Hùng nhờ các bác sĩ tư vấn cho trường hợp cấp bách của mình. Một liều thuốc nhuận tràng được phát cho Hsu để uống, với mục đích giúp chiếc AirPod thất lạc này thoát ra theo con đường thuận theo tự nhiên của con người. Nếu gặp khó khăn bằng cách này, họ cho biết sẽ bắt buộc phải phẫu thuật để lấy tai nghe ra.
May mắn làm sao, 1 ngày sau khám, bụng Hsu đã kịp thời lên cơn réo gọi của bản năng khi đang cùng bạn chờ tàu ở ga. Chuyện gì đến cũng phải đến, sau khi hành sự thành công, Hsu buộc phải lôi chiếc AirPod từ “bãi mìn” của mình. Anh chàng này còn can đảm tới mức tự quay video, thậm chí selfie với chiến lợi phẩm…
Hsu khi đang tự tay thò xuống lấy và selfie cùng chiếc AirPod vẫn đang dính “bụi trần”.
Về mặt kinh tế, chiếc AirPod được cứu này đã tiết kiệm 65 USD (tương đương gần 1,5 triệu đồng) cho Hsu. Thế nhưng, vết thương tinh thần về việc phải nghe nhạc bằng thứ “lấm lem bùn đất” đã chui ra từ bụng ruột mình có lẽ sẽ ám ảnh Hsu đến hết đời, hoặc ít nhất là hết vòng đời sử dụng của chiếc tai nghe.
Bác sĩ Chen tại bệnh viện Cao Hùng cũng trả lời phỏng vấn: “Nếu đó là một viên pin trần, tính mạng của Hsu sẽ thực sự nguy hiểm, có thể bị chảy máu ruột vì các hóa chất. Nhưng AirPod có lớp vỏ nhựa chắc chắn đủ để cách ly thành phần pin với môi trường tiêu hóa xung quanh, giúp cho Hsu an toàn khỏi các rủi ro khác.”
Bác sĩ Chen (trái) và cặp AirPods được báo về của Hsu vẫn sử dụng bình thường (phải).
Update thêm một chút, Hsu cho biết sau khi mất một đống thời gian rửa lại, chiếc AirPod đó vẫn hoạt động bình thường và ngon lành. “Pin sạc vẫn còn hiển thị 41% cơ,” Hsu hào hứng. Tạm gạt đi những thắc mắc còn dang dở về mặt vệ sinh, chẳng phải đây là một chiêu quảng cáo vô tình mà đầy ấn tượng dành cho công dụng của AirPods hay sao. Không hề hấn gì sau khi trải qua tour du lịch tài trợ bởi hệ tiêu hóa con người, rất xứng đáng để dành tặng một lời khen!
Theo Kenh14