Giá thành luôn là yếu tố quyết định mức chất lượng tốt nhất mà bạn có thể có được khi mua sắm tai nghe hay bất kỳ một sản phẩm nào khác. Phần cuối cùng của loạt bài tư vấn lên kế hoạch mua tai nghe sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí và tránh được các rủi ro/thiệt hại không đáng có.
Trong 2 phần đầu của loạt bài tư vấn về kế hoạch mua sắm tai nghe, VnReview đã cùng bạn đọc tự xác định yêu cầu của bản thân một cách đầy đủ, chi tiết nhất. Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những nguyên tắc tối quan trọng nhất để tiết kiệm chi phí một cách tối đa khi theo đuổi thú chơi tai nghe.
Bạn phải tính đến chi phí dành cho bộ tăng âm (Head-Amp)
Những người hay tư vấn giúp bạn bè lựa chọn mua thiết bị âm thanh di động chắc hẳn sẽ cảm thấy… bức xúc khi nhắc đến nguyên tắc này. Lý do là bởi đây là một nguyên tắc rất căn bản, bắt buộc phải làm theo nhưng lại thường xuyên bị người mua mới tập chơi tai nghe bỏ qua.
Vậy tại sao bạn lại phải mua bộ tăng âm (headphone amplifier, thường gọi là head-amp hoặc amp) và các thiết bị đầu phát (máy nghe nhạc hoặc card sound/USB-DAC) gắn ngoài? Trước hết là amp: trong khi tai nghe tầm thấp thường có trở kháng thấp, rất nhiều tai nghe tầm trung (khoảng 4 triệu đồng) sẽ có trở kháng cao. Nếu bạn gắn những chiếc tai nghe này trực tiếp vào điện thoại hoặc máy tính, âm lượng sẽ rất nhỏ và bạn sẽ không thể thưởng thức được bất cứ thứ gì cả.
AKG K612, Grado GR08 hay Yuin PK1 là một vài trong số những chiếc tai nghe có trở kháng cao thường bị người dùng ít kinh nghiệm mua “nhầm”, đặc biệt là những người thích mua hàng trực tuyến hoặc “ship” hàng từ nước ngoài. Thiết kế khá trẻ trung và mức giá tương đối dễ chịu (giá gốc: 200 USD/4,4 triệu đồng) của K612 rất dễ gây hiểu nhầm rằng đây là một chiếc tai nghe dễ sử dụng, trong khi thực tế là K612 cần amplifier tương đối mạnh mẽ. Còn GR08 và PK1 tuy chỉ là tai in-ear và earbud cỡ nhỏ nhưng cũng có trở kháng trên 100 ohm.
Ngay cả trong trường hợp mua tai nghe giá rẻ và/hoặc có trở kháng thấp, bạn vẫn sẽ cải thiện được đáng kể chất lượng âm thanh nếu đầu tư thêm vào amp. Ví dụ điển hình là tai nghe Grado cỡ lớn: tất cả đều có trở kháng chỉ 32 ohm và do đó có thể phát tiếng từ điện thoại hoặc laptop với âm lượng thừa thãi. Song, những bộ amp tốt, đặc biệt là amp đèn, sẽ thay đổi hẳn bức tranh âm nhạc trên tai nghe Grado. Kể cả trong trường hợp có đủ âm lượng, một số tai nghe của Sennheiser và AKG sẽ không thể đạt mức chất lượng âm thanh tối đa nếu không có amp.
Bất kể trở kháng của tai nghe ở mức nào, lựa chọn amp cũng sẽ giúp giảm sức ép lên thiết bị đầu phát và nhờ đó tránh hiện tượng méo tiếng.
…Và máy nghe nhạc/card sound chất lượng tốt
Lý do khiến bạn cần đầu tư vào thiết bị đầu phát tốt là khá rõ ràng. Bạn không thể nấu được các món ăn ngon từ các nguyên liệu có chất lượng kém, và tương tự tai nghe không thể phát ra âm thanh hay nếu như tín hiệu đầu ra quá dở. Cổng phát trên máy tính hoặc smartphone tầm trung của bạn sẽ cho ra âm trường hẹp, các dải âm thấp rất thiếu lực (tiếng trống “lộp bộp”, tiếng bass có thể bị cộng hưởng), âm thanh thiếu hụt chi tiết và có độ tách biệt rất thấp.
Do hiện nay rất nhiều người dùng nghe nhạc bằng máy vi tính, việc lựa chọn các card sound (thường là các loại DAC có kết nối USB) chất lượng cao là rất cần thiết. Một số smartphone như iPhone hoặc LG cho chất lượng âm thanh khá ổn, nhưng gần như chắc chắn các thiết bị này sẽ không thể cạnh tranh với các máy chơi nhạc (DAP) như iBasso DX50 hoặc Sansa Clip+ về chất lượng âm thanh. Ngoài ra, các máy nghe nhạc này có thời lượng pin cao gấp nhiều lần điện thoại và cũng sẽ giúp tiết kiệm pin một cách đáng kể cho smartphone của bạn.
Khi chơi tai nghe, mua DAC/DAP và amp là một nguyên tắc mà bạn gần như chắc chắn sẽ phải làm theo, trừ khi bạn đang mua những chiếc tai nghe cấp thấp nhất (dưới 2 triệu đồng). Song, ngay cả tai nghe giá rẻ như Sennheiser HD449 và iGrado cũng có thể cho chất lượng hoàn toàn khác biệt khi được kết nối với amp và DAC tầm giá 2 triệu đồng thay cho cổng phát trên laptop.
Nếu bạn vừa bị HD449 “mê hoặc” tại cửa hàng và rồi cảm thấy thất vọng tràn trề khi về nhà, hãy từ bỏ ngay suy nghĩ rằng “Tai nghe chỉ có gần 2 triệu mà mua amp 2 triệu làm gì“. Khi tiết kiệm được thêm 1, 2 triệu đồng, hãy sử dụng khoản tiền đó để mua amp/DAC thay vì mua tai nghe mới. Đây cũng là một lựa chọn mang tính đảm bảo cho tương lai, bởi khi bạn (cũng giống như nhiều fan âm thanh khác) nâng cấp lên những chiếc tai nghe cao cấp hơn, sự khác biệt giữa đầu phát tốt và đầu phát dở sẽ là rất rõ ràng.
Hãy cố gắng trải nghiệm tai nghe trước khi mua
Đây là nguyên tắc là người viết đã nhắc đi nhắc lại trong suốt cả 3 phần của loạt bài. Rất nhiều tai nghe được đánh giá cao sẽ không phù hợp với sở thích của bạn. Vậy, khi đi mua tai nghe, bạn nên chuẩn bị như thế nào để có được đánh giá chính xác nhất?
Nếu có thể, hãy mang theo máy nghe nhạc hoặc chiếc amp/DAC mà bạn đang có. Hãy copy sẵn những bản nhạc ưa thích vào máy nghe nhạc của mình trước khi đi. Nếu bạn nghe nhạc bằng máy tính, hãy lên mạng và tìm các trang nghe nhạc trực tuyến có chất lượng tốt (ví dụ như chiasenhac.com hoặc nhacso.net) để thử nghiệm các bản nhạc quen thuộc nhất. Do các bản nhạc này được trí nhớ của bạn lưu giữ tốt nhất, sử dụng chúng khi đánh giá tai nghe sẽ giúp bạn có thể dễ dàng so sánh chất lượng với các thiết bị hiện có.
Trong trường hợp bạn thích nghe các bản nhạc khó kiếm hoặc nhạc lossless (.APE, .WAV hoặc .FLAC) dung lượng cao, bạn có thể sẽ phải mang theo ổ cứng đã copy nhạc của mình. Hiện tại, một số cửa hàng cũng có sẵn các máy nghe nhạc hoặc máy tính để người dùng thoải mái thử nghiệm. Điều này sẽ giúp tăng tính thuận tiện khi mua hàng, nhưng bạn cũng nên chuẩn bị kĩ càng nếu có sở thích âm nhạc hơi đặc biệt (ví dụ, nếu bạn thích nghe Jazz, nghe Blues hoặc Black Metal chẳng hạn).
Tương tự, khi chọn mua amp/DAC, hãy thử nghiệm bằng chiếc tai nghe mà bạn đang có.
Và, hãy nhớ rằng, mỗi bài đánh giá tai nghe chỉ có ý nghĩa tham khảo. Các bài đánh giá sẽ giúp bạn hình dung ra các yếu tố âm thanh đặc trưng nhất của tai nghe, sẽ đánh giá những chi tiết mà đôi khi bạn bỏ quên hoặc thậm chí là không nghĩ đến, và quan trọng nhất là giúp bạn xác định được liệu sản phẩm trong bài có phải là một lựa chọn đáng giá trên mặt bằng thị trường hay không. Nhưng, mỗi bài đánh giá của VnReview đều không phải là… một bản nhạc, và trải nghiệm âm nhạc cuối cùng vẫn sẽ là của riêng bạn mà thôi.
Tỏ ra thực tế hết mức đối với kinh phí của mình
“Thực tế” ở đây bao gồm cả 2 thái cực: không mua sản phẩm quá rẻ và cũng không mua sản phẩm đắt tiền không phù hợp với mình.
Đầu tiên là không mua sản phẩm giá quá rẻ. Tâm lý người tiêu dùng luôn là tìm những sản phẩm giá rẻ hết mức có thể, nhưng đôi khi bạn sẽ mua phải những sản phẩm không mang lại mức giá trị cần có, hoặc tệ hơn là không hề có giá trị gì với người mua. Nếu bạn có nhu cầu hết sức cụ thể, và ở mức giá bạn đang nhắm tới không hề có 1 sản phẩm nào đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này ở mức chấp nhận được, hãy tạm thời kiềm chế ý thích mua sắm và tiết kiệm thêm một thời gian.
Hãy thử cân nhắc trường hợp sau: nếu bạn chỉ có 3,3 triệu đồng và cần mua một chiếc tai nghe đẹp, âm thanh dễ chịu, mức độ thoải mái cao, trở kháng thấp như Sennheiser HD598, hãy kiên nhẫn tiết kiệm thêm. Nếu bạn tặc lưỡi mua chiếc HD558 (có mức giá vừa bằng khoản tiền mà bạn có), tất cả những gì bạn có sẽ là một chiếc tai nghe có âm thanh tối hơn và thiết kế cục mịch hơn. Chỉ vì thiếu kiên nhẫn mà bạn đã đưa mình từ chỗ thiếu 1,3 triệu đồng để mua sản phẩm mơ ướctrở thành thiếu 4,6 triệu đồng. HD558 không phải là một sản phẩm tệ, nhưng rõ ràng ở vị trí của bạn, chiếc tai nghe này không thể mang đến cảm giác thỏa mãn tuyệt đối (hay sự bình yên cho… tâm hồn mua sắm bên trong bạn).
Ở thái cực còn lại là hãy đừng mua sản phẩm giá quá cao so với khả năng theo đuổi của bạn. Điều này áp dụng cho cả những chiếc tai nghe có mức giá nhỏ hơn khoản tiền mà bạn đang có. Tai nghe giá cao có thể sẽ kéo theo chi phí cần thiết để nâng cấp amp và DAC/DAP. Ở tầm giá trên 10 triệu đồng, bạn cũng sẽ phải nâng cấp kho nhạc của mình lên CD hoặc file lossless (WAV, APE, FLAC…), bởi các bản nhạc MP3 hoặc AAC sẽ bị tai nghe phơi bày tất cả các thiếu sót. Nếu chưa kiểm nghiệm thực tế, bạn cũng có thể mua phải những sản phẩm đắt nhưng lại không phù hợp với nhu cầu của bản thân mình. Nguyên tắc mua hàng luôn là đừng bao giờ chạy theo những tính năng không thực sự cần thiết và rồi phải trả mức giá cao hơn rất nhiều so với những gì bạn thực sự cần có.
Đừng loại trừ khả năng nâng cấp trong tương lai
Ngay cả khi đã dũng cảm bỏ ra số tiền tương đối lớn để mua tai nghe hi-fi, người dùng cũng rất dễ mang suy nghĩ rằng “Chỉ mua cái tai nghe này để dùng thôi là đủ rồi, không cần mua thêm nữa”. Theo quan sát và nhận định chủ quan của người viết, đây là một suy nghĩ… sai lầm trong khoảng 70% các trường hợp. Sức hút của âm nhạc luôn luôn là rất lớn, chưa kể con người luôn có tham vọng được tìm tòi những âm thanh, những cách tái hiện mới mẻ hơn. Bởi tai nghe là một thú vui nằm trong tầm tay của khá nhiều người, lựa chọn mua tai nghe đắt tiền sẽ chỉ khó khăn trong lần đầu tiên mà thôi. Đến lần thứ hai, thứ ba, bạn sẽ ít đắn đo hơn trước khi móc hầu bao mua tai nghe mới.
Nói như vậy là để bạn đọc hiểu rằng trong tương lai, rất có thể bạn sẽ bỏ tiền ra mua những chiếc tai nghe cao cấp hơn. VnReview không có lời khuyên cụ thể nào cho trường hợp nâng cấp lên tai nghe đắt tiền (ví dụ, trên 5 triệu đồng), bởi cả 3 phần của loạt bài này đều là những lời khuyên mà bạn có thể áp dụng trong mọi trường hợp mua sắm. Điều duy nhất cần lưu ý ở đây là tâm lý tiêu dùng của bạn hoàn toàn có thể thay đổi, và nếu thực sự đam mê âm thanh, hãy đặt một đầu mục riêng cho tai nghe/amp/DAC trong kế hoạch tài chính của mình. Nếu bạn đã từng lên kế hoạch mua mới smartphone 2 năm 1 lần hoặc mua mới laptop 4 năm 1 lần, hãy đưa ra kế hoạch tương tự với tai nghe. Bằng cách này, bạn sẽ chạm tay được vào các sản phẩm “đỉnh” nhất mà vẫn đảm bảo được tài chính cho các hoạt động khác.
Một gợi ý nhỏ là ngay cả tai nghe cùng hãng dù chỉ chênh nhau tương đối ít (1 triệu đồng) cũng có thể mang tới chất lượng âm thanh vượt trội hoàn toàn. Nhưng ngược lại, một sản phẩm cùng mức giá với chiếc tai nghe mà bạn đang có hiện thời có thể sẽ không tốt hơn mà là một sản phẩm khác biệt hoàn toàn. Ví dụ, nếu đã có Grado SR80i để thưởng thức các bản nhạc Rock nhiều bass/treb tại nhà, bạn có thể lựa chọn thêm Sony MDR-7506 để trải nghiệm âm thanh trung hòa, chính xác của phòng thu hoặc một chiếc VSonic GR07 để sử dụng cùng các thiết bị di động.
Tính đến trường hợp bán lại tai nghe cũ ngay từ khi mới mua
Đi kèm với tâm lý “mua để dùng” là tâm lý “không bao giờ bán lại”. Nhưng nếu lựa chọn Khi đã nâng cấp, bạn có thể bán lại tai nghe cũ để giảm thiểu chi phí. “Kế hoạch” bán lại tai nghe không có gì phức tạp: bạn chỉ cần thực hiện những nguyên tắc giúp giữ được giá cho tai nghe khi bán như sử dụng càng cẩn thận càng tốt và phải giữ lại đầy đủ hộp, phụ kiện cùng hóa đơn.
Ngoài ra, người mua đồ second-hand cũng thường không muốn lựa chọn những chiếc tai nghe đã bị mod (“vọc”, chỉnh sửa). Một số dạng mod đơn giản như thay đệm tai (pad), khoét lỗ trên đệm tai hoặc thay dây cho các loại tai nghe có dây có thể tháo rời (Sony XBA-H3 hoặc Vsonic VSD3S) sẽ không làm tai nghe mất giá. Tuy vậy, tai nghe đã bị thay dây hoàn toàn (dây nối từ jack cắm vào tận driver bên trong củ tai) hoặc đã bị tháo tung để chỉnh sửa driver thường sẽ rất khó bán lại.
Ngược lại, “mod” tai nghe cũng là một thú vui có thể mang lại những cải thiện rất to lớn về chất lượng âm. Do đó, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ về khả năng bán lại tai nghe trong tương lai, và ngay trong ngày đầu tiên gắn bó, hãy hiểu rằng khả năng bạn phải bán đi chiếc tai nghe yêu quý này là hoàn toàn có thể. Quyết định cuối cùng sẽ là của bạn, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, giữ gìn cẩn thận tai nghe (cùng hộp, phụ kiện) hẳn nhiên cũng sẽ chỉ mang đến lợi ích cho bạn mà thôi.
Lời khuyên cuối cùng: Bạn luôn có quyền lựa chọn, nhưng phải kiên nhẫn
Khoảng 5 năm về trước, không ai dám nghĩ thị trường tai nghe cao cấp tại Việt Nam sẽ bùng nổ như hiện tại. Giờ đây, người dùng Việt Nam đã có thể lựa chọn tai nghe từ một loạt các cửa hàng uy tín như XVmedia (tainghe.com.vn), Kool (vnheadphones.com), Ido (ido.com.vn), Senshop (senshop.com.vn) v…v… hoặc tìm mua những chiếc tai nghe và amp, DAC cũ trên các diễn đàn lớn. Ngay cả quá trình mua hàng từ nước ngoài cũng không còn quá khó khăn và đầy rủi ro như trước đây.
Điều này có nghĩa rằng bất kể nhu cầu sở thích của bạn là gì và giới hạn kinh phí của bạn là bao nhiêu, gần như chắc chắn sẽ có một sản phẩm có thể làm cho bạn hài lòng tuyệt đối. Do đó, khi mua sắm, hãy tận dụng quyền lựa chọn của mình bằng cách thử nghiệm và tìm hiểu tất cả các sản phẩm trong tầm giá mà bạn đang nhắm tới. Đừng vội ra quyết định mua sắm khi mới chỉ thử nghiệm lựa chọn đầu tiên, dù cho lựa chọn này có hấp dẫn và choáng ngợp đến mấy đi chăng nữa.
Nhưng ngược lại, khi mua tai nghe, bạn cũng cần học cách chờ đợi. Đôi khi, vì lý do nào đó, khoản tiền tiết kiệm của bạn sẽ chưa đạt đến mức giá của chiếc tai nghe mơ ước. Hoặc, sẽ có lúc những trục trặc từ hãng sản xuất/nhà phân phối sẽ buộc bạn phải chờ đợi trong một thời gian dài. Bạn sẽ có những lựa chọn thay thế, và điều bạn nên làm là đánh giá những lựa chọn thay thế này. Nhưng, nếu đã thấy lựa chọn thay thế không thể làm bạn vừa lòng như sản phẩm muốn mua từ đầu, bạn sẽ lại phải kiên nhẫn chờ đợi.
Như vậy, VnReview đã cung cấp tới bạn đọc toàn bộ cẩm nang mua sắm để lựa chọn những chiếc tai nghe phù hợp nhất với khoản đầu tư hợp lý nhất có thể. Trong các tháng tới, chúng tôi sẽ cùng bạn đọc đánh giá những chiếc tai nghe đáng chú ý nhất và đi tìm những chiếc tai nghe tốt nhất cho mỗi loại thiết kế, tầm giá và thể loại nhạc khác nhau. Chúc bạn có được những giờ phút tuyệt vời nhất bên cạnh đôi tai nghe “hoàn hảo” của riêng mình!
Lê Hoàng / VnReview