Công nghệ tạo âm thanh giả (Active Sound Design) xuất hiện khắp mọi nơi mà chúng ta không hay biết, vậy quá trình này thực chất là gì?
Một trong những âm thanh khó chịu nhất trên Thế giới là tiếng của máy hút bụi. Không gì khó chịu hơn khi bạn đang tận hưởng sự yên tĩnh của ngày cuối tuần, rồi lập tức bị ‘tra tấn’ bởi tiếng dọn nhà của người thân hoặc hàng xóm.
Thế nhưng liệu bạn có biết rằng, máy hút bụi được thiết kế một cách có chủ đích để tạo ra tiếng động lớn?
Các nhà sản xuất có khả năng tạo ra những chiếc máy hút bụi yên lặng, chỉ có cường âm độ âm thanh dừng ở khoảng 50dB, trong khi đó đa phần máy hút bụi trên thị trường đều đạt ngưỡng 80 – 90dB. Nhưng câu hỏi đặt ra là: tại sao người ta lại làm vậy, không phải yên tĩnh hơn thì sẽ càng tốt hơn ư?
Câu trả lời nằm ở Công nghệ thiết kế âm thanh giả (Active sound design). Bất cứ một sản phẩm nào trên thị trường cũng được chế tạo một cách kì công, không những để có thiết kế đẹp (nhìn được bằng mắt) mà còn tạo ra những tiếng động đặc trưng. Ví dụ như tiếng một chiếc cửa ô tô đóng lại, tưởng chừng như đơn giản nhưng các nhà sản xuất xe đã phải điều chỉnh vật liệu, hình dáng của chúng để tạo ra một âm thanh đặc trưng cho riêng mình.
Có rất nhiều lý do để công nghệ này được áp dụng vào đời sống, những trong đó có 3 lý do lớn nhất, bao gồm: Feedback – Phản hồi vật lý, Branding – Xây dựng thương hiệu và Behavior – Hành vi người dùng.
Nếu như bạn có đam mê về xe ô tô, thì chắc chắn đã biết được ‘vụ việc’ của chiếc xe Jaguar I-Pace. Đây là một chiếc xe chạy điện, nên gần như không tạo ra tiếng khi chạy trên đường. Thay vì để xe chạy một cách yên lặng, hãng thêm các tiếng động giả để tạo cảm giác ‘cao cấp’ với người dùng.
Rất nhiều chiếc xe bán chạy tại Mỹ, cả chạy xăng lẫn chạy điện thậm chí còn có microphone được đặt bên ngoài xe, sau đó chơi lại những âm thanh như tiếng gió, tiếng động cơ bằng hệ thống loa bên trong.
Việc làm này có lợi ích gì? Chắc chắn ai cũng biết rằng những chiếc xe sang, mạnh mẽ thường có tiếng động cơ lớn hơn nhiều so với những chiếc xe bình dân. Chính vì thế, việc tăng độ lớn của tiếng động cơ tới tai người dùng sẽ làm họ tự động ‘nghĩ’ rằng chiếc xe của mình đắt tiền hay chất lượng cao hơn.
Lý thuyết này không phải lúc nào cũng đúng, khi chiếc Tesla Roadster là một trong những chiếc xe thương mại có khả năng tăng tốc nhanh nhất hiện nay, nhưng do là xe chạy điện nên hoạt động rất êm ái. Thế nhưng đôi khi ‘mắt thấy’ rồi cũng phải có cả ‘tai nghe’, những chiếc xe nào tạo được rung động mạnh có thể cảm nhận được ở lồng ngực người dùng thì thường được cho là tốt hơn!
Áp dụng lý thuyết này vào sản phẩm được nhắc ở đầu bài: máy hút bụi. Những chiếc máy hút bụi có cường độ âm thanh quá thấp thường được người dùng cho là ‘không hoạt động’ hay ‘hoạt động không hiệu quả’. Chính vì vậy, các hãng làm máy hút bụi thường thiết kế chúng để tăng độ ồn, chứ không phải làm giảm tiếng ồn đi.
Khi nghe thấy tiếng ‘Woosh’ thật mạnh mẽ của động cơ, hay tiếng ‘Clink’ khi bụi đập vào khoang chứa của máy, người dùng biết được rằng chiếc máy hút bụi đang chạy một cách hoàn hảo! Nhưng một câu hỏi nữa lại được đặt ra: Liệu đây có phải lừa dối người dùng hay không?
Câu trả lời là…nửa có và nửa không. Những tiếng động này hoàn toàn là giả, và có thể loại bỏ bằng cách thiết kế sản phẩm một cách khác đi. Nhưng người dùng không phải lúc nào cũng muốn các sản phẩm của mình im lặng, họ muốn biết được rằng chúng đang hoạt động, và họ đang sử dụng chúng đúng cách. Chính vì vậy những tiếng động này là giả song lại rất cần thiết.
Chúng ta sẽ chuyển từ ô tô sang xe máy! Một trong những thương hiệu xe máy (mô tô) nổi tiếng nhất trên Thế giới là Harley Davidson. Tất cả những chiếc xe của hãng này đều có một tiếng động cơ rất giống nhau, và khác biệt hoàn toàn so với các dòng xe khác trên thị trường.
Harley Davidson đã có thời kỳ muốn đăng ký bản quyền tiếng động cơ này, để khi mọi người nghe thấy là biết ngay chúng được tạo ra từ một chiếc xe của hãng. Phi vụ này đã không thành công, nhưng cũng cho ta thấy được tầm quan trọng của âm thanh đến vấn đề xây dựng thương hiệu.
Một ví dụ nữa cũng rất thú vị, đó là thức uống hoa quả Snapple. Sản phẩm này có tên như vậy vì khi mở nắp lần đầu tiên vỏ chai sẽ tạo ra một chiếc ‘Snap’ hay ‘Pop’ rất đặc trưng, báo hiệu cho người dùng rằng ‘đây là một chiếc chai mới’. Chỉ cần nghe thấy tiếng này, ai cũng biết rằng đã có một người vừa mở một chai Snapple gần đó.
Vào năm ngoái (2018), để giảm chi phí thì hãng này đã chuyển từ tai thủy tinh sang chai nhựa, kèm theo đó cũng đã dành một lượng lớn tiền và thời gian để nghiên cứu cách nào để giữ được tiếng ‘Pop’ khi mở nắp đặc trưng của họ. Quá trình nghiên cứu đã thành công rực rỡ, và giờ những ai mua Snapple chai nhựa vẫn được tận hưởng âm thanh thú vị này.
Công nghệ tạo âm thanh giả còn có thể là một công cụ để các hãng điều khiển hành vi của người dùng, và khoai tây chiên (chip) là một ví dụ đặc trưng cho công dụng này. Các nhà khoa học cho rằng một trong những yếu tố quan trọng của những miếng khoai đây chiên đó là độ giòn, khả năng ‘vỡ ra’ khi người dùng cắn chúng.
Vì lý do này, các hãng khoai tây chiên như Springles thiết kế miếng khoai tây một cách tỉ mỉ, sử dụng cả toán học để chúng vỡ vụn ra ngay khi chạm vào răng của người dùng. Không bất cứ ai muốn ăn những miếng khoai tây ‘ỉu’, cắn mãi mới tan ra cả, nên hãng nào có khoai tây càng giòn thì càng thành công!
Công nghệ tạo âm thanh giả đã xuất hiện quanh ta từ rất lâu, và là một thành phần rất quan trọng của từng người. Không những thế, công nghệ này còn có tầm quan trọng cao hơn trong tương lai, khi tất cả dụng cụ ta sử dụng hàng ngày đang được ‘số hóa’, không tạo ra âm thanh vật lý nữa mà phụ thuộc âm thanh điện tử.
Tham khảo Cheddar, Trithuctre