Đây có thể coi là sản phẩm công nghệ ‘con cưng’ của những người hay phải di chuyển, công tác.
Bài viết là ý kiến cá nhân của Geoffrey Morrison, biên cập viên của CNET và WireCutter đăng tải tại NYtimes
Bạn đã bao giờ ngồi trên một chuyến bay dài và phải chịu đựng tiếng khóc lóc của một đứa bé nào đó, hay cố gắng đi ngủ với những tiếng ngáy đinh đầu của hàng xóm? Đôi khi tất cả những gì chúng ta cần là một chút sự yên tĩnh, và đó là thứ mà những cặp tai nghe chống ồn chủ động hứa hẹn.
Nhưng việc bỏ một số tiền (thường là không nhỏ) ra để đầu tư những cặp tai nghe này có đáng hay không? Là một người hay phải đi công tác trong suốt 5 năm qua, và đánh giá vô vàn những sản phẩm loại này, tôi chỉ có thể đưa ra câu trả lời là: Có thể!
Nguyên lý hoạt động của tai nghe chống ồn chủ động
Những cặp tai nghe chống ồn chủ động thay vì chỉ dựa vào các thành phần vật lý để chặn các tạp âm bên ngoài thì có hệ thống điện tử phân tích môi trường, sau đó tạo ra các sóng ngược pha để triệt tiêu chúng. Hãy tưởng tượng những con sóng ngoài biển, chúng vỗ vào bờ rồi rút đi, nếu ta kết hợp 2 chuyển động này thì biển sẽ lặng sóng và không còn chuyển động nữa. Hay với những ai thích so sánh bằng toán học, thì ta như đang kết hợp số 1 và -1 lại để tạo thành số 0 vậy!
Quá trình này không hề hoàn hảo, những cặp tai nghe này không thể tạo ra được ‘sự yên lặng tuyệt đối’ hay xóa bỏ được hoàn toàn tất cả những tạp âm bên ngoài. Những cặp tai nghe chống ồn chủ động tốt nhất trên thị trường thường chỉ làm các âm thanh bên ngoài ‘dịu’ đi mà thôi, và thường hoạt động tốt nhất với những tiếng ồn tần số thấp như tiếng máy bay, ô tô.
Ngược lại, chúng khó có thể lọc được những âm tần số cao như tiếng người, tiếng khóc của trẻ con. Các âm thanh xảy ra nhanh như tiếng đập cửa, vỗ tay cũng làm hệ thống của tai nghe bị ‘rối’ và không chặn kịp. 2 cặp tai nghe có chỉ số chống ồn giống nhau nhưng khi sử dụng thực tế cũng có cách chống ồn rất khác nhau.
Khả năng chống ồn của các sản phẩm này cũng cần có năng lượng, nên sẽ tiêu tốn vào thời gian nghe nhạc của người dùng. Đây cũng là một trong những lý do tại sao tai nghe chống ồn thụ động (sử dụng thiết kế vật lý để chặn âm) thường rẻ hơn. Nếu người dùng có thể đeo được chúng chặt vào tai thì khả năng chống ồn cũng rất tốt.
Việc tạo được kết nối chặt chẽ giữa tai người dùng và tai nghe là một điều không dễ, vì cấu trúc tai của mỗi người lại khác nhau. Và kể cả khi đã đeo thật chặt thì các cặp tai nghe thông thường cũng không có khả năng xóa bỏ các âm tần thấp tốt được như tai chống ồn chủ động. Đó chính là ưu điểm lớn nhất của các cặp tai nghe loại này.
Những ai sẽ phù hợp với loại tai nghe này?
Nếu bạn là người hay phải di chuyển, công tác thì chắc chắn một cặp tai nghe chống ồn chủ động sẽ khiến các chuyến máy bay, tàu hỏa hay ô tô trở nên dễ chịu hơn. Kể cả sau một chuyến bay dài tới 12 tiếng, tôi cũng cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn khi không phải chịu các màn ‘tra tấn’ bằng âm thanh!
Các cặp tai nghe In-ear (nhét trong) cũng có khả năng chống ồn tốt, nhưng thường không cho thoải mái khi đeo đi ngủ. Dạng tai nghe Over-ear (trùm đầu) thường không gây cấn khi đeo lâu, nhưng người dùng cũng sẽ phải chấp nhận kích thước lớn của chúng – chiếm nhiều diện tích khi cho vào cặp. Sau khi ngừng làm đánh giá tai nghe cho trang WireCutter, tôi mua một cặp Bose QuietComfort 20 và không bao giờ đi máy bay mà không đem nó đi cả!
Còn nếu bạn không phải công tác nhiều, và cảm thấy những âm thanh tần số cao (tiếng người nói, tiếng khóc) khó chịu hơn là các âm tần thấp thì có lẽ những cặp tai nghe chống ồn chủ động sẽ không đáng tiền, và bạn hoàn toàn có thể mua các cặp tai nghe In-ear hoặc Over-ear không có chống ồn. Một ưu điểm của việc làm này đó là những sản phẩm trong cùng một tầm giá mà không có chống ồn chủ động thì sẽ có chất lượng âm thanh tốt hơn.
Tóm lại, tôi cho rằng tai nghe chống ồn chủ động là một sản phẩm công nghệ tuyệt vời, nhưng không phải dành cho tất cả mọi người. Tùy vào hoàn cảnh sống, thói quen dùng tai nghe mà chúng trở nên đáng tiền hay không.
Theo Genk