Bạn có nghe được âm thanh từ tấm ảnh Gif này không?
Nhìn vào ảnh GIF phía dưới này, bạn có nghe thấy âm thanh kiểu “thình thịch” hay không? Theo khảo sát trên Twitter của Tiến sĩ Lisa DeBruine tại Viện Khoa học thần kinh và Tâm lý học Đại học Glasgow, Hoa Kỳ:
Tới 67%, trong số hơn 315.000 người nhìn thấy tấm ảnh này, khẳng định họ nghe thấy tiếng “thịch thịch” mỗi khi chiếc cột điện nhảy xuống.
Rõ ràng tấm ảnh không có tiếng, nhưng tại sao bạn có thể nghe được nó ?
Câu trả lời có liên quan đến cách mà các giác quan của chúng ta hoạt động, Christopher Fassnidge, nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý tại Đại học London cho biết. Ảo giác này là một ví dụ của hiệu ứng cảm giác kèm (synesthesia), khi tín hiệu của hai giác quan – ví dụ ở đây là thị giác và thính giác – bị chồng chập trong não bộ.
Bất cứ khi nào và ở đâu, thế giới của chúng ta được lấp đầy bởi những chuyển động đi kèm với âm thanh quen thuộc của nó. Chẳng hạn, khi bạn thấy một quả bóng sắp đập xuống đất rồi nảy lên, bạn sẽ mong đợi âm thanh như “bịch” một tiếng.
Bằng chứng khoa học cho thấy rằng mỗi người có thể đã học được những điều này từ khi còn nhỏ, Fassnidge cho biết. Nó tạo nên hiện tượng gọi là cảm giác kèm. Có thể nhìn vào tấm ảnh gif trên, cảm giác kèm giữa thị giác và thính giác là thứ khiến chúng ta mong đợi và tự nghe thấy tiếng “thịch thịch”, khi chiếc cột điện rơi xuống làm mặt đất rung chuyển.
Một số trường hợp hiếm gặp hơn, cảm giác kèm có thể gây ra hiệu ứng ngược lại, nghe thấy âm thanh và tưởng tượng ra hình ảnh. Lấy ví dụ, nghệ sĩ piano quá cố người Nga Nikolai Rimsky-Korsakov từng được biết đến với khả năng nhìn thấy màu sắc của những nốt nhạc.
Một số nghiên cứu về cảm giác kèm cũng cho thấy từ ngữ có thể khiến một số người nhìn thấy màu sắc hoặc thậm chí ngửi thấy hương vị.
Trở lại với tấm ảnh GIF, hiện tượng nghe thấy âm thanh của nó được phòng thí nghiệm của Fassnidge gọi đó là “phản hồi thính giác từ thị giác”, hoặc viết tắt là “vEAR“. Fassnidge và các nhà nghiên cứu tại đây đang tiến hành một cuộc khảo sát về hiện tượng này.
“Đó là khả năng nghe thấy một vật di chuyển mặc dù nó không tạo ra tiếng động, có thể là một hình thức tinh tế của cảm giác kèm – một giác quan được kích hoạt bởi giác quan khác”, Fassnidge nói.
“Chúng ta luôn bị bủa vây bởi những chuyển động tạo ra âm thanh, cho dù đó là bước chân của người đi bộ, cử động môi khi họ nói chuyện, một quả bóng nảy lên ở sân chơi, hay tiếng vỡ của thủy tinh khi chúng ta đánh rơi một ly nước”.
Cho nên, việc nghe thấy âm thanh từ hình ảnh dường như khá phổ biến. “Tôi có thể giả sử rằng tôi nghe được cả tiếng bước chân của một người đi bộ phía bên kia đường, trong khi thực tế đó chỉ là âm thanh tôi tưởng tượng ra trong đầu”, Fassnidge nói.
Trên thực tế, hiện tượng vEAR chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhưng một trong những nghiên cứu gần đây của Fassnidge cho thấy có tới 20% số người trải nghiệm loại cảm giác kèm này. Tỷ lệ là cao hơn nhiều so với số lượng từ 2 đến 4% trải nghiệm các cảm giác kèm khác.
Và cũng giống như các hình thức khác của cảm giác kèm, một số người dễ nghe thấy hình ảnh hơn những người khác, tùy thuộc vào những kết nối trong bộ não họ.
Cũng có thể nhiều người trong chúng ta từng trải nghiệm vEAR mà không hề nhận thấy. “Có một số bằng chứng cho thấy cảm giác kèm, ở một mức độ nào đó, là thứ chúng ta đều đã học được từ nhỏ”, Fassnidge nói.
Tấm ảnh GIF về những chiếc cột điện nhảy dây chỉ là một ví dụ rõ ràng gợi lên khả năng kết nối thính giác với thị giác đó. Nếu bạn bây giờ cũng mới nhận ra mình sở hữu cảm giác kèm này, hãy cảm ơn tác giả của tấm ảnh.
Một người sử dụng tài khoản Twitter HappyToast đã tạo ra nó vào năm 2008, trong một cuộc thi Photoshop. Tấm ảnh thú vị đến nỗi đã được đưa vào seri truyền hình The Wrong Door, kể về một Trái Đất khác bị đảo lộn ở một vũ trụ song song.
HappyToast cho biết tấm ảnh của mình đã được phát tán rộng rãi trên Internet trong gần 10 năm qua. Tuy nhiên, chỉ đến cuối tuần trước nó mới tạo nên một làn sóng thực sự về hiệu ứng ảo giác âm thanh, sau khi Tiến sĩ Lisa DeBruine thực hiện cuộc khảo sát của mình.
Theo Genk