Hãy cùng chúng tôi điểm lại lịch sử phát triển những mẫu tai nghe nhạc của nhà sản xuất CHLB Đức Sennheiser.

Đối với những người tiêu dùng Việt Nam nói chung, cái tên Sennheiser đã chẳng còn là một cái tên xa lạ trong thị trường âm thanh tiêu dùng cũng như chuyên nghiệp. Hàng loạt những sản phẩm từ tai nghe đến microphone ở nhiều tầm giá từ phổ thông đến cao cấp như HD598, CX300II hay microphone E845. Cũng chính vì sự phổ biến của thương hiệu Sennheiser, mà không ít người tiêu dùng Việt cũng từ đó có cảm tình với cái tên đến từ CHLB Đức này.

Nhìn lại lịch sử dòng tai nghe HD huyền thoại của Sennheiser

Trong lịch sử gần 70 năm tập trung vào phát triển lĩnh vực âm thanh của mình, những kỹ sư tại Sennheiser đã tạo được cho công ty của họ một “timeline” với bề dày ấn tượng, với rất nhiều những sản phẩm đình đám, có được chỗ đứng trong làng âm thanh thế giới, thỏa mãn được nhiều đôi tai khó tính.

Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng GenK điểm lại lịch sử phát triển những mẫu tai nghe nhạc của nhà sản xuất CHLB Đức Sennheiser. Lưu ý rằng, vì nhiều lý do khách quan nên tác giả bài viết không thể phản ánh đầy đủ những mảng phát triển của Sennheiser như tai nghe in ear, earbud hay gaming headset, trong 1 bài. Vì lý do đó, chúng ta sẽ tập trung vào lịch sử phát triển của dòng tai nghe mang tên mã HD, vốn tập trung vào cộng đồng người thưởng thức âm nhạc cũng như các kỹ sư âm thanh chuyên nghiệp.

Nhìn lại lịch sử dòng tai nghe HD huyền thoại của Sennheiser

1968: HD 414

Thành lập năm 1945 dưới cái tên Lab W (Laboratorium Wennebostel, tạm gọi là phòng nghiên cứu âm thanh tại làng Wennebostel, nơi Fritz Sennheiser khởi nghiệp), ban đầu Lab W tập trung phát triển những mẫu microphone, với sản phẩm thương mại đầu tiên mang tên DM 1 (1946). Đến năm 1955, Lab W đổi tên thành Sennheiser Electronics.

Nhìn lại lịch sử dòng tai nghe HD huyền thoại của Sennheiser

Sennheiser DM 1.

Vào năm 1968, Sennheiser khiến làng âm thanh thế giới ngỡ ngàng khi trình làng mẫu tai nghe mang tên HD414. Đây được coi là mẫu headphone open (earcup mở, phần nào tạo không gian âm thanh chân thực hơn) đầu tiên trên thế giới. Chính HD 414 cũng khiến cho Sennheiser trở thành cái tên đình đám trên thị trường tai nghe toàn cầu.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng hơn 10 triệu chiếc HD 414 đã được bán ra, biến mẫu tai nghe này trở thành chiếc headphone bán chạy nhất lịch sử. HD 414 phiên bản đầu tiên được ngừng sản xuất vào khoảng những năm 1979 – 1980.

Nhìn lại lịch sử dòng tai nghe HD huyền thoại của Sennheiser

Sennheiser HD 414.

Trong giai đoạn này, cụ thể là vào khoảng năm 1976, HD 424, mẫu tai nghe được cho là bản nâng cấp của HD 414 cũng được bắt đầu sản xuất. Sở hữu chất âm trong trẻo, có phần thiên sáng và rất tự nhiên, đi kèm là cảm giác đeo êm ái đã khiến cho HD 414 và 424 trở thành những cái tên đi vào huyền thoại.

Thập niên 80: Phát triển

Trong hơn 10 năm trời, Sennheiser đã tìm được thành công chỉ với hai mẫu tai nghe kể trên. Trong khi đó, hàng loạt những cái tên khác từ Nhật, Mỹ đến cả những tên tuổi đình đám tại thị trường quê nhà CHLB Đức cũng bắt đầu cuộc chạy đua tai nghe nhạc với những cái tên như Koss, Sony, Pioneer, Fostex hay là cả BeyerDynamics.

Nhìn lại lịch sử dòng tai nghe HD huyền thoại của Sennheiser

Sennheiser HD 430.

Điều này khiến cho Sennheiser phải tiếp tục nghiên cứu và tung ra thị trường những sản phẩm mới nhằm thỏa mãn nhu cầu thị trường. Và như vậy, trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, hàng loạt những mẫu tai nghe như HD 400, HD 414X, HD 424X (phiên bản nâng cấp của HD 414 và HD 424) hay HD 430 (flagship thời bấy giờ) lần lượt ra lò.

Giới thẩm âm có thâm niên cho đến hiện tại vẫn coi HD 430 (sản xuất trong giai đoạn 1980 đến 1985) là một chiếc tai nghe tuyệt vời, thừa kế chất âm thiên sáng của HD 424 nhưng lại sở hữu sound stage rộng và khoáng đạt hơn nhiều.

Trong nửa cuối giai đoạn thập niên 80 này, Sennheiser lại tiếp tục nâng cấp những cặp tai nghe fullsize của mình với những phiên bản như HD 414 SL, HD 420 SL…

Nhìn lại lịch sử dòng tai nghe HD huyền thoại của Sennheiser

Sennheiser HD 25 1 II.

Cũng trong giai đoạn này, cụ thể hơn là vào năm 1988, một huyền thoại khác của Sennheiser cũng đã ra đời. Đó là mẫu tai nghe phòng thu mang tên HD 25. Chất âm vẫn thiên sáng, nhưng sự chính xác trong việc tái tạo các dải âm cũng như âm thanh nhạc cụ mới chính là thứ biến HD25 trở thành tượng đài của những mẫu tai nghe phòng thu, bên cạnh Sony MDR V6 (1985) hay Fostex T50 (1980)…

Thập kỷ 90: Huyền thoại Orpheus và thời kỳ hoàng kim

Vào thời bấy giờ (và ngay cả bây giờ cũng vậy), tai nghe với màng loa tĩnh điện (electrostatic) được coi như chuẩn mực của những chiếc tai nghe cao cấp, xếp vào hàng hi-end lúc bấy giờ. Các hãng như Stax hay Koss đều có được cho mình những mẫu tai nghe tĩnh điện với chất âm rất gần với sự hoàn mỹ, đi kèm với đó là cái giá không hề rẻ chút nào.

Nhìn lại lịch sử dòng tai nghe HD huyền thoại của Sennheiser

Stax SR Sigma

Thậm chí trong khi Sennheiser vẫn còn đang mày mò nghiên cứu để phát triển những mẫu tai nghe driver dynamic như HD 430, thì những con người đến từ Nhật Bản đã kịp làm thế giới chao đảo với những SR Sigma hay SR-Lambda Pro trong thập kỷ 70 và 80.

Chính vì thế, các kỹ sư của Sennheiser cũng được giao một nhiệm vụ, đó là tạo ra một hệ thống tai nghe hoàn hảo và xứng tầm hi end, không quan trọng giá bao nhiêu, “để người Nhật thấy khả năng của chúng ta ở đâu”. Vậy là bộ đôi tai nghe tĩnh điện và tubeamp HE 90/HEV 90, được gọi với cái tên Orpheus ra mắt.

Nhìn lại lịch sử dòng tai nghe HD huyền thoại của Sennheiser

Sennheiser HE90 Orpheus.

Với cái giá… 16.000 USD, chỉ có đúng 300 bộ Sennheiser Orpheus được sản xuất. Dĩ nhiên, các kỹ sư người Đức đã thành công. Hơn 20 năm sau, Orpheus vẫn được xếp vào danh sách những mẫu tai nghe hoàn hảo nhất con người từng thiết kế, sánh vai với những cái tên như Stax SR-009 hay Abyss AB-1266…

Chính Orpheus đã chạm vào sự tự ái của người Nhật. Ngay sau khi ra mắt không lâu, vào năm 1993, Stax đã tung ra thị trường mẫu tai nghe SR Omega. Tuy nhiên với cái giá quá cao vì phải đầu tư phát triển lại sản phẩm từ đầu, Stax Industries Ltd. đã lâm vào bước đường cùng và phá sản vào năm 1995. Chỉ 1 năm sau đó, những người Nhật đã gây dựng lại đế chế một thời. Nhờ đó chúng ta mới có được những tượng đài SR-007 MkII hay SR-009 như ngày hôm nay.

Nhìn lại lịch sử dòng tai nghe HD huyền thoại của Sennheiser

Sennheiser HD 580 Precision.

Tuy nhiên câu chuyện này chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong lịch sử phát triển của Sennheiser những năm 90. Trong thập niên này, hàng loạt những mẫu tai nghe được đánh giá rất cao của hãng như HD 545 Reference, HD 565 Ovation hay cao cấp nhất thời bấy giờ là HD 580 Precision cho đến giờ vẫn là lựa chọn hoàn hảo cho nhiều đôi tai, với chất âm cân bằng và khoáng đạt. Giờ đây, phải rất may mắn bạn mới có thể tìm được những mẫu tai nghe này, đơn giản vì những người sở hữu nó không hề muốn bán những đứa con cưng này một chút nào.

2000: Huyền thoại tiếp tục chuyển mình

Đứng trước những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, Sennheiser cũng có những bước phát triển mới, bằng chứng là việc tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra những cặp tai nghe không dây, earbud hay in ear phục vụ nhiều thị trường, nhưng đồng thời vẫn không bỏ quên dòng tai nghe HD.

Nhìn lại lịch sử dòng tai nghe HD huyền thoại của Sennheiser

HD 800.

Vào năm 2009, HD 800, mẫu tai nghe dynamic cao cấp nhất của Sennheiser được ra mắt. Trở kháng 300 Ohm biến chiếc tai nghe này trở nên kén amplifier vô cùng. Thế nhưng với đúng nguồn nhạc và amplifier đủ nội lực, HD 800 biến thành một trong những chiếc tai nghe dùng driver dynamic cao cấp và hay nhất từ trước tới nay.

Sennheiser HD 650.

Sennheiser HD 650.

Trong khi đó, những phiên bản khác của dòng tai nghe HD, từ bình dân như HD 201, HD 429, tầm trung như HD 558 đến cao cấp như HD 598 hay HD 650 vẫn hàng ngày gây ấn tượng cho giới thẩm âm tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Điều đáng chú ý, những chiếc tai nghe như HD 598, HD 600 hay HD 650 tuy có cái giá khá cao, dao động từ 5 đến 9 triệu Đồng nhưng vẫn trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng Việt nhờ vào chất âm có phần thiên tối, ấm áp nhưng vẫn rất chi tiết của chúng.

Tạm kết

Tuy rằng những thông tin được đề cập trong bài viết này vẫn chưa thực sự đầy đủ dù đã được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, thế nhưng GenK cũng hy vọng rằng đã phần nào thỏa mãn được mục đích tìm hiểu của không chỉ những fan Sennheiser tại Việt Nam mà còn cả cộng đồng hâm mộ âm thanh tại nước ta.

Tham khảo: Sennheiser, Headfonia, Headfi, Genk và một số nguồn khác.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here