ĐÓNG HỘP
Hầu như những chiếc tai nghe fake, tai nghe giả hiện nay đều được đóng hộp vô cùng chuyên nghiệp. Rất khó để bạn phân biệt được chúng trừ khi bạn có một chiếc hộp của sản phẩm thật để đặt bên cạnh. Tuy nhiên khó chứ không phải không thể.
Những chiếc hộp fake đa phần sẽ có màu nhạt hơn so với hàng thật. Các chi tiết hình ảnh và chữ trên vỏ hộp có độ sắc nét không cao.
Như các bạn có thể thấy màu sắc trên vỏ hộp Beats Solo 2 Wireless này. Màu đỏ trên vỏ hộp fake sẽ hơi ngả sang màu cam. Chi tiết hình tai nghe trên hộp cũng thiếu sắc nét hơn.
Các chi tiết chữ sẽ có màu đậm hơn hoặc nhạt hơn một cách bất thường, nhìn không thuận mắt và thiếu chuyên nghiệp.
Đối với chiếc BeatsX này, khả năng phân biệt bằng vỏ hộp trở nên khó khăn hơn gấp bội do toàn bộ phần mặt trước được phủ một lớp giấy bóng kính trong suốt.
Ở mặt sau cũng không có một dấu hiệu nào có thể dễ dàng để phân biệt cả. Chúng làm quá giống nhau. Thậm chí ở phiên bản fake ( bên phải) chúng còn được dịch sang cả Tiếng Việt làm nhiều người nhầm tưởng đây là một sản phẩm chính hãng.
Với chiếc Bose QC25 thì mọi chuyện có vẻ rõ ràng hơn. Màu sắc của phiên bản fake ( bên phải )bị sai khá nhiều so với bản thật.
Nói tóm lại, đối với những vỏ hộp càng có nhiều hình ảnh và chi tiết thì những sản phẩm fake, nhái sẽ càng lộ rõ sự khác biệt. Chúng ta sẽ để ý vào màu sắc và chất lượng mực in, độ chi tiết của các đường nét trên vỏ hộp.
PHỤ KIỆN
Nếu như phần đóng hộp có thể làm khó bạn do ngoại hình chúng quá giống nhau thì sự khác biệt về phụ kiện là điểm dễ nhận biết hơn hẳn. Đặc điểm của những sản phẩm hàng giả, hàng nhái là chúng phải làm bằng những chất liệu rẻ tiền, hoàn thiện kém để giảm tối đa chi phí, do đó phụ kiện luôn bị làm cẩu thả nhất. Bạn hoàn toàn có thể xem các video unbox trên youtube hoặc những bài review trên internet để so sánh với phụ kiện mình đang có trong tay. Nếu có sự sai khác bất thường nào ở đây thì hãy cẩn thận, rất có thể bạn đã đụng phải hàng fake. Một số trường hợp khác biệt nhỏ là do các phiên bản bán ra vào những thời điểm khác nhau, tùy theo thị trường phân phối nữa. Vì vậy, chúng ta vẫn cần phải đi vào tiểu tiết.
Đây là dây của Beats Solo 2 Wireless. Dây bản thật ( bên trái) có độ hoàn thiện cao hơn. Phần nhựa đồng màu với dây và đặc biệt là phần giắc cắm. Ở cả 2 đầu đều có 3 vòng tròn đen cho dây có mic, trong khi đó ở trên dây fake chỉ có 2 vòng đen ở giắc thẳng mà thôi.
Móc khóa thật màu đen có logo của Beats in rất ngay ngắn còn móc khóa fake thì không.
Đây là cáp sạc của BeatsX. Cáp sạc thật ( bên trái) có logo được dập chìm còn của bản fake chỉ được in khá cẩu thả. lớp nhựa phủ nhám cũng không có.
Giắc chuyển máy bay của Bose QC25. Bản thật phần hình máy bay được dập chìm sắc nét, chân giắc cũng được mạ vàng còn của bản fake thì không.
Tựu chung lại thì trước khi mua hàng, nếu người bán cho phép bạn mở hộp để kiểm tra hoặc bạn có thể cam kết trước với người bán rằng nếu phát hiện hàng vừa mua là hàng giả sẽ được trả lại. Bạn vẫn nên mở hộp sản phẩm để đảm bảo 100% rằng các phụ kiện là hàng chính hãng.
HOÀN THIỆN SẢN PHẨM
Phần này thì cũng khá khó khăn để phân biệt. Các bạn phải rất tinh ý mới có thể phân biệt được do hàng giả, hàng fake bây giờ làm cực kỳ tinh vi. Ở phần này bạn cần chú ý đến các tiếp điểm, các viền nhựa thừa, cảm giác dây dẫn và độ mượt mà của sản phẩm. Nếu phát hiện nghi ngờ tạm thời không mua. Thay vào đó hãy đến những cửa hàng uy tín để xem trước hoặc xem các video và bài đánh giá trên mạng để có cái nhìn chuẩn xác về sản phẩm thật.
Đây là 2 chiếc Bose SoundSport Wireless thật và giả. Nếu đặt riêng lẻ và bạn không biết trước sản phẩm nào là thật. Có lẽ bạn cũng sẽ nhận nhầm mà thôi.
Vẫn có một vài chi tiết nhỏ khác biệt ở đây. Trên phần housing của tai nghe. Lỗ thoát hơi của tai nghe fake bị làm nhỏ hơn và kém sắc nét hơn tai nghe thật. Khi hoạt động, đèn trạng thái của tai nghe cũng sáng một cách rất bất thường.
Đối với chiếc Beats Solo 2 Wireless này cũng vậy, đèn trạng thái sáng khá kỳ cục.
Như chiếc Bose QC25 này chẳng hạn, cũng chẳng tài nào mà phân biệt nổi nếu không đặt chiếc tai thật ở bên cạnh.
SỐ SERIAL
Một trong những cách tin tưởng nhất để check xem tai nghe bạn mua có phải là tai fake không, đó là check số serial. Thông thường trên tai nghe của các hãng lớn sẽ có số serial của mỗi sản phẩm riêng biệt. Bạn có thể tìm kiếm cách check serial ở trên trang chủ của hãng hoặc yêu cầu trực tiếp người bán hàng check trên trang chủ cho bạn.
Số serial của một số tai nghe cũng sẽ được dập luôn ở trên thân của tai, các bạn hãy so sánh số serial này với số serial trên vỏ hộp xem có trùng khớp không nhé. Trong trường hợp không trùng khớp với số serial trên vỏ hộp, chúc mừng bạn có thể đã mua phải một sản phẩm fake.
PHẦN MỀM ĐI KÈM
Theo tôi đánh giá thì đây mới chính là cách nhanh nhất và chính xác nhất để xác định xem tai nghe của bạn mua có phải chính hãng hay không. Thật may là khá nhiều mẫu tai nghe mới hiện nay sẽ đi kèm với ứng dụng hỗ trợ.
Trên vỏ hộp sẽ có hướng dẫn bạn cài các ứng dụng này. Sau đó bạn hãy thử kết nối với tai nghe với ứng dụng. Nếu thành công thì tôi đảm bảo 100% các bạn đã mua được sản phẩm chính hãng. Tôi đã dùng thử rất nhiều mẫu tai nghe rồi nhưng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ các tai nghe fake có thể làm được điều này vì chúng quá phức tạp và tốn tiền.
Thật tiếc là chức năng này chỉ có trên một số tai nghe không dây đời mới. Đối với các tai nghe có dây hoặc tai không dây mà không có app đi kèm, các bạn đành phải check bằng tay theo những chỉ dẫn bên trên.
KẾT LUẬN
Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng phần nào sẽ giúp các bạn lựa chọn và phân biệt những sản phẩm tai nghe chính hãng. Các tốt nhất để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái đó là đến những địa chỉ phân phối tai nghe chính hãng.