Đánh giá DAC âm thanh trên Bphone 3 và Bphone 3 Pro

0
1068

Liệu DAC rời có giúp Bphone 2018 tiếp tục vượt mặt iPhone 6s Plus (thế hệ iPhone cuối cũng có cổng tai nghe tích hợp ? Hai mẫu Bphone có và không có DAC rời khác nhau tới đâu? Hãy cũng chúng tôi đi tìm câu trả lời.

Trong khi nghe nhạc vẫn là một trong những tính năng phổ biến nhất của smartphone, rất ít nhà sản xuất đem bộ giải mã âm thanh bên trong sản phẩm của mình đi khoe. Bphone 2017 là một ngoại lệ đặc biệt khi ngay từ năm ngoái, nhà sản xuất BKAV đã “khoe” DAC rời.

Năm nay, ở cùng khoảng giá với Bphone 2017 – 10 triệu đồng, Bphone 3 Pro vẫn được tích hợp DAC rời sử dụng công nghệ Aqstic từ Qualcomm. Nhưng khi chạm tay vào phân khúc giá phổ thông hơn – 7 triệu đồng, Bphone 3 bản thường cũng bị lược bớt DAC rời và thay thế bằng DAC tích hợp bên trong chip Snapdragon 636.

Thông số và khả năng chơi nhạc

Vốn thường được sử dụng trên các máy cao cấp dùng Snapdragon 835 và Snapdragon 845, chip WCD9341 có nhiều điểm vượt trội so với DAC tích hợp bên trong Snapdragon 636 và nhiều mẫu smartphone khác. Con chip này có khả năng chơi nhạc ở tần số tối đa 192kHz, có thể chơi DSD dạng Native (không cần convert sang PCM) và đặc biệt là có DAC hạn chế nhiễu cho phép “tái tạo âm thanh một cách trung thực nhất có thể”.

Tuy vậy, cũng giống như năm ngoái, sự khác biệt về tần số cũng như về khả năng chơi nhạc DSD sẽ không đem lại nhiều ý nghĩa thực tiễn: các loại nhạc 24bit/96kHz và DSD quá đắt đỏ và thường chỉ tập trung vào các dòng nhạc ít người nghe, các nghệ sĩ kém nổi tiếng. Nếu bạn thật sự sở hữu các album định dạng nhạc này, chúng tôi khuyên bạn nên mua DAC/DAP cao cấp để thử nghiệm chất âm thay vì đem smartphone ra so sánh.

Thực tế, trên các mẫu smartphone được so sánh trong bài (Bphone 3, Bphone 3 Pro và iPhone 6s Plus), 2 dịch vụ nhạc Tidal (lossless) và Spotify (lossy) cũng thể hiện rất ít sự khác biệt. Cũng chính bởi lý do này, trong bài viết chúng tôi sẽ sử dụng nguồn nhạc Spotify Extreme (Ogg Vorbis, 320kps) để đánh giá 3 mẫu smartphone.

Chất âm: DAC rời có làm nên sự khác biệt?

Vậy, nếu sự khác biệt về thông số và định dạng không có mấy ý nghĩa với đối tượng người dùng được BKAV nhắm tới, liệu DAC rời trên Bphone 3 Pro có thể làm nên sự khác biệt so với DAC tích hợp trên Bphone 3 “thường” và iPhone 6s Plus?

Tai nghe Simphonio Dragon 2+

Để tìm câu trả lời, đầu tiên chúng tôi sử dụng Simphonio Dragon 2+. Là một trong những sản phẩm đáng chú ý nhất trong trào lưu chơi earbud giá cao hiện nay, Simphonio Dragon 2+ có chất âm dễ gần, tự nhiên và nhìn chung hơi ấm áp một chút. Nếu được kết hợp với một thiết bị phát xứng tầm, Simphonio Dragon 2+ sẽ tạo thành một tổng thể âm thanh trau chuốt và hoàn thiện ở cả 3 dải: bass sâu, kiểm soát tốt; mids (trung âm) mượt, không gai và treb (dải cao) tơi, không gắt.

Người nghe tinh ý chắc chắn sẽ nhận ra được sự khác biệt giữa DAC rời và DAC tích hợp khi “kéo” Dragon 2+. Trên cả Bphone 3 và iPhone 6s Plus, người viết đều nhận thấy chất âm có phần hơi ấm và bí so với Bphone 3 Pro. Cụ thể hơn, các nốt “bass” không xuống quá sâu, guitar đệm không có cảm giác “tơi” và giọng hát có phần “vỡ”, không liền mạch do xử lý trung âm không tốt. Với iPhone 6s Plus, giọng hát đôi khi còn có hiện tượng siblance (gắt) nhẹ, nhưng dễ nhận thấy.

Bphone 3 Pro hạn chế được các hiện tượng này tốt hơn các đối thủ. Nói một cách nôm na, nếu ví âm thanh như hình ảnh, DAC rời giúp cho Dragon 2+ trở nên “sắc nét” hơn. Bộ DAC WDC9431 trong Bphone 3 Pro giúp loại bỏ bớt đi các chi tiết lỗi cùng lúc không thêm-bớt bất kỳ dải âm nào cả. Thế mạnh lớn nhất của Dragon 2+ (sự mộc mạc và tự nhiên trong giọng hát hay trong các giai điệu violin) sẽ chỉ được thể hiện tốt nhất khi người dùng không bị phân tâm vào các lỗi “ss” trong giọng hát hay các điệu guitar không thật “tơi”. Trong bài thử nghiệm này, chỉ có duy nhất Bphone 3 Pro vượt qua được thử thách của chiếc earbud đắt đỏ đến từ Simphonio.

Nhưng cũng giống như trường hợp của Bphone 2 năm ngoái, sự vượt trội của DAC rời trên Bphone 3 Pro sẽ chỉ xuất hiện khi bạn rất chịu khó đi bắt lỗi chất âm của những chiếc điện thoại khác. Đây không phải là sự khác biệt rõ rệt như khi người dùng chuyển từ laptop dùng chip Realtek kém chất lượng sang DAC/amp “xịn”. Với các bản thu thực sự tốt, hoặc với các thể loại tập trung vào nhịp điệu thay vì chi tiết, sự chênh lệch sẽ càng khó nhận biết hơn nữa.

Tai nghe đi kèm: có cải tiến rõ rệt

Nói một cách rất thực tế, sự khác biệt giữa DAC rời trên Bphone 3 Pro và DAC tích hợp trên Bphone 3 sẽ không mang nhiều ý nghĩa với phần đông người dùng phổ thông. Chúng tôi đã từng bắt gặp những người dùng không phân biệt được chip Realtek với ODAC, và với bài so sánh smartphone này, sự khác biệt giữa 2 con chip của Qualcomm (WCD9431 và DAC tích hợp trong Snapdragon 636) sẽ còn ít hơn nữa.

Tai nghe đi kèm của bản Bphone 3 Pro

Bù lại, Bphone 3 Pro năm nay mang theo một khác biệt chắc chắn là sẽ được nhiều người hưởng ứng: tai nghe đi kèm. Năm ngoái, chúng tôi đã không dành quá nhiều thiện cảm cho tai nghe đi kèm Bphone, bởi bộ tai nghe cũ không hề vượt khỏi cái “dớp” của tai nghe đính kèm: quá nhiều bass và nhìn chung là kém trau chuốt 2 dải âm còn lại. Năm nay, chiếc tai nghe này vẫn được bán kèm Bphone 3 bản thường và do đó vẫn sẽ chỉ phục vụ tốt những người dùng không quá đòi hỏi về âm thanh.

May mắn là tai nghe Bphone 3 Pro đã được thay đổi hẳn về mẫu mã (form khá giống Klipsch S4), và đi kèm đó là những khác biệt về chất âm. Mặc dùng tổng thể âm thanh vẫn là nhiều bass, chiếc tai nghe mới có âm trầm theo hướng dày và kiểm soát tốt chứ không phải là “ngập tràn” như trước. Sự thay đổi trên hai dải cao cũng rất dễ nhận thấy: tai nghe mới không còn khiến giọng hát có cảm giác hơi “nghẹt mũi” như trước; hiện tượng chói gắt do “vỡ” treb cũng gần như không còn.

Tai nghe đi kèm của bản Bphone 3 thường

Khá thú vị là những cải tiến từ tai nghe Bphone 3 lên tai nghe Bphone 3 Pro cũng giống như những cải tiến mà DAC rời mang tới nhưng rõ rệt và dễ nhận biết hơn rất nhiều. Với cải tiến này, có thể nói rằng tai nghe của Bphone 3 Pro đã tiến sát hơn tới lãnh địa của những chiếc in-ear thuộc nhóm “audiophile giá rẻ”: theo quan điểm của người viết, bộ tai nghe này thậm chí còn hấp dẫn hơn một số tên tuổi quen thuộc như Xiaomi Pistol (khô, kém nhạc tính) hay Sennheiser CX.300 (hơi lùng bùng). Do âm thanh vẫn nhiều bass nhưng được tinh chỉnh để trở nên gọn ghẽ hơn, tai nghe mới của BKAV kiểm soát nhịp điệu tốt hơn, rất hợp với các thể loại nhạc trẻ sôi động như V-Pop, USUK, K-Pop, Hip-hop, EDM v…v…

Cắm loa ngoài: Bớt “máy móc” hơn Bphone 2

Sản phẩm được chúng tôi dùng để thử nghiệm là bộ loa Aego M, vốn từng làm mưa làm gió trên thị trường vài năm trước. Điểm mạnh của Aego M nằm ở khả năng kết hợp tốt giữa 2 loa vệ tinh và loa sub uy lực, và khi kết hợp với Bphone 3 Pro thì những gì chúng ta nhận được là một chất âm tách bạch, giàu nhạc tính và dễ tiếp nhận.

Loa Aego M

Đây không phải là một bất ngờ quá lớn: ngay từ năm ngoái, BKAV đã hướng smartphone của mình theo chất âm trung tính và do đó chắc chắn sẽ kết hợp bù trừ với phần lớn các dòng loa vi tính/loa di động trên thị trường, vốn thường ưu tiên chất âm ấm và nhiều bass. Bphone 3 Pro kế thừa điểm mạnh này của đàn anh Bphone 2 và thậm chí còn có phần tốt hơn: nếu nghe kỹ, bạn sẽ nhận thấy Bphone 3 Pro bớt đi được cảm giác “điện tử” hơi thiếu tự nhiên trên Bphone 2.

Với đàn em Bphone 3, chất âm thu được một lần nữa khá tương đồng với iPhone 6s: ấm hơn và bí hơn, trong đó nếu bật bass của Aego M ở mức cao thì cảm thấy bass “loãng” hơn hẳn – nốt dài hơn, xuống không sâu và bởi thế mất đi cảm giác uy lực. Nhìn chung, bài thử nghiệm này không đem đến bất ngờ nào cả: Bphone 3 vẫn mang thứ âm thanh điển hình của DAC/amp tích hợp.

Thử nghiệm trở cao

Với thử thách cuối cùng, chúng tôi sử dụng một linh kiện đặc biệt: adapter tăng trở kháng. Loại adapter này thường được dùng để kết nối amp đèn và các loại amp high-gain khác với tai nghe trở thấp, đặc biệt là in-ear.

Không mấy bất ngờ, Simphonio Dragon 2+ (trở kháng 32ohm qua kết nối 3.5mm) và adapter 150 ohm đã không thể đạt đến mức âm lượng đủ nghe trên bất kỳ một chiếc smartphone nào trong bài thử nghiệm. Sự khác biệt giữa Bphone 3 Pro và các đối thủ sử dụng DAC tích hợp là gần như không có.

Kết quả này hoàn toàn tương đồng với bài thử nghiệm Bphone 2 của năm ngoái, vốn cũng sử dụng DAC của Qualcomm. Có thể nói rằng cả Qualcomm lẫn BKAV đều không đặt mục tiêu tạo ra các thiết bị nghe nhạc thực sự chuyên nghiệp, thay vào đó tối ưu cho các nhu cầu sử dụng di động.

Kết luận

Sau khi “gây tiếng vang” bằng DAC rời trên Bphone 2 vào năm ngoái, có thể thấy rằng năm nay BKAV vẫn tiếp tục coi âm thanh là một thế mạnh đặc biệt để thu hút người dùng. Gần như không một chiếc smartphone tầm trung nào khác trên thị trường sử dụng DAC rời, và hiện tại cũng rất ít các nhà sản xuất tận dụng được các thế mạnh của nền tảng Aqstic từ Qualcomm.

Kết quả là, ở cùng một khung giá với Bphone 2 của năm ngoái (gần 10 triệu đồng), Bphone 3 Pro tiếp tục là một trong những lựa chọn tầm trung hấp dẫn nhất cho người yêu nhạc. Trong khi chưa thể tung cánh trở thành một chiếc “smartphone audiophile” thực thụ, Bphone 3 Pro có thể coi là một bước đệm hoàn hảo cho người dùng phổ thông yêu âm nhạc. Cả DAC rời và cả tai nghe đi kèm của Bphone 3 Pro đều là lựa chọn tốt cho những người mong muốn một chất âm tốt hơn DAC tích hợp nhưng lại chưa có tiền để đầu tư vào DAC/amp di động hay máy nghe nhạc Hi-res.

Ở phía còn lại, Bphone 3 bản thường cũng chỉ mang trong mình chất âm DAC tích hợp quen thuộc, ít chi tiết và ít trau chuốt hơn đàn anh. Cho dù vậy, Bphone 3 vẫn có thể tự hào nho nhỏ là chất lượng âm thanh không hề thua kém các mẫu đầu bảng sừng sỏ đến từ Apple và Samsung, hiển nhiên là cũng không… tệ như các dòng Android “giá mềm” khác.

Theo VnReview

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here