Bàn về cách chọn mua tai nghe hợp lý và chính xác (Phần 2)

0
7400
Meze, headphone

Khi trình độ “thẩm âm” của bạn đã được nâng cao, bạn sẽ nhận ra rằng một chiếc tai nghe 5 – 6 triệu đồng không thể làm thỏa mãn tín đồ của tất cả các dòng nhạc. Do đó phần 2 của loạt bài tư vấn mua sắm tai nghe sẽ giúp bạn lựa chọn chiếc tai nghe theo đúng gu âm nhạc của mình.

tai nghe, hi-end, tintucaudio, grado
Hai “anh em sinh đôi” Grado RS1 và Alessandro Music Series Pro: một cho Rock, một cho Classical

Âm nhạc là một thế giới khổng lồ và đồ sộ. Ví dụ, chỉ riêng một thể loại Rock đã được chia làm vô số dòng nhánh với tiết tấu, giai điệu, nhạc cụ… khác nhau. Dù cùng thuộc về Rock, Post-Rock sẽ đòi hỏi những chiếc tai nghe khác với Death Metal. Nếu như chỉ riêng trải nghiệm Rock đã “phức tạp” đến như vậy, chắc chẳn bạn cũng đã đoán ra rằng việc lựa chọn 1 chiếc tai nghe vừa có thể làm nức lòng các fan K-Pop, vừa không làm thất vọng các fan của nhạc cổ điển sẽ là rất khó khăn

Cần phải khẳng định rằng chiếc tai nghe 2 triệu đồng (hoặc thậm chí là 20 triệu đồng) của bạn chắc chắn sẽ có chất lượng tốt hơn các tai nghe “Tàu” tầm thấp trên bất cứ một bản nhạc nào. Nhưng, tầm giá 2 triệu đồng cũng sẽ mang tới nhiều lựa chọn khác nhau, và chắc chắn một vài (hoặc phần lớn) trong số này sẽ là những lựa chọn rất tệ đối với sở thích cá nhân của riêng bạn.

Từ bỏ suy nghĩ về những chiếc tai nghe “toàn năng”

Đầu tiên, khi đặt chân vào thế giới audiophile, hãy từ bỏ suy nghĩ rằng bạn có thể mua được một chiếc tai nghe “toàn năng” có thể đáp ứng tất cả các dòng nhạc một cách hoàn hảo.

tai nghe, hi-end, tintucaudio, sony
Sony XBA-H3

Thử lấy ví dụ về tai nghe in-ear Sony XBA-H3 mà chúng tôi vừa đánh giá gần đây. Với âm bass dồi dào, dàn trải, XBA-H3 là một lựa chọn rất tốt cho EDM và Dance Pop. Nhưng, chất bass quá dồi dào của XBA-H3 cũng sẽ tạo ra một trải nghiệm Rock rất kém ấn tượng. Âm bass kéo từ nốt này sang nốt khác sẽ khiến các bản nhạc Rock trở nên nặng nề quá mức, làm giảm tốc độ và sức sống sôi động của dòng nhạc cá tính này.

Ở tầm giá 6,5 triệu đồng như XBA-H3,  các fan của Rock có thể lựa chọn chiếc Grado Prestige SR225i hoặc Beyerdynamic DT990 cho sở thích của mình. Chỉ riêng lượng bass vừa phải hơn trên SR225i và DT990 đã có thể mang tới trải nghiệm Rock hợp lý hơn. Bạn cũng sẽ còn dư dả kinh phí để đầu tư thêm cho các bộ tăng âm và DAC (thường được sử dụng làm card sound).

Nhưng ngược lại, SR225i cũng không thể mang tới trải nghiệm Dance Pop tốt như XBA-H3. Thậm chí, khi không được sử dụng để tái hiện âm thanh guitar điện và saxophone (Rock, Blues, Jazz…) đặc trưng của Grado, SR225i cũng gần như chẳng còn điểm nổi trội nào so với các lựa chọn cùng tầm giá cả.

tai nghe, hi-end, tintucaudio, grado
Grado Prestige Series SR225i

Tai nghe “xịn” vẫn sẽ là tai nghe “tốt”, nhưng chúng sẽ không thể “tốt” trên tất cả các bản nhạc, tất cả các thể loại có trên thị trường. Nếu một chiếc tai nghe A nào đó có thể tái hiện rất tốt Mozart hay Bằng Kiều, đừng quá hy vọng vào một trải nghiệm tương tự khi nghe nhạc của Green Day. Điều này có nghĩa rằng để mua được 1 chiếc tai nghe phục vụ tốt nhất cho chính mình, bạn phải xác định chính xác sở thích lớn nhất của bản thân. Và một khi đã xác định được thể loại nhạc (hoặc một vài thể loại nhạc tương đồng) mà bạn sẽ dành nhiều thời gian thưởng thức nhất, hãy lựa chọn một chiếc tai nghe phù hợp với sở thích chính của bản thân.

Yêu cầu đặc trưng dành cho tai nghe của mỗi dòng nhạc

Trước khi đi vào phần này, cần phải khẳng định lại rằng trải nghiệm nghe nhạc là một trải nghiệm hoàn toàn mang tính cá nhân. Bởi vậy, về mặt lý thuyết, bạn có thể sẽ cảm thấy những câu khẳng định dạng “mua tai nghe để nghe Rock thì bass phải thế này, mid phải thế kia” có thể hơi quy chụp.

Nhưng sự thật là sẽ có rất ít người thích nghe một bản Rock sôi động bằng những chiếc tai nghe có âm thanh quá tối hoặc tốc độ đánh quá chậm. Hãy thử tưởng tượng về trải nghiệm nhạc Rock trên một chiếc tai nghe dành riêng cho nhạc nhẹ: các nhịp trống dồn dập sẽ bị kéo tụt lại, những “bức tường âm thanh” do guitar điện tạo ra trở nên mỏng manh, không gian quá rộng lớn làm “loãng” mất tiết tấu của bài hát.

tai nghe, hi-end, tintucaudio, akg
Khá xấu xí nhưng AKG K1000 được nhiều audiophile coi là “đỉnh cao” cho nhạc cổ điển

Do đó, để đảm bảo có được trải nghiệm nghe nhạc hợp lý nhất, hãy cùng bàn luận về yêu cầu của mỗi dòng nhạc dành cho tai nghe (hoặc loa). Sau đây là các yêu cầu thường được người viết khuyến cáo cho fan của từng dòng nhạc:

– Classical: Tai nghe nên có mức độ chi tiết và khả năng tách biệt nhạc cụ tốt (để tái hiện đầy đủ số lượng nhạc cụ có trong bản nhạc) và chất âm trung hòa (không quá nhấn ở một dải âm cụ thể nào cả). Âm nhạc cần tạo ra cảm giác thoáng đãng, rộng rãi (âm trường lớn) giống như khi bạn đang ngồi trong thính phòng.

– Vocal: Nhạc Vocal thực chất là các bản nhạc Pop (hoặc đôi khi là R&B, Jazz) có trọng tâm là giọng hát của ca sĩ. Với thể loại này, dải âm mid (trung) là rất quan trọng. Dải mid có thể khô (chính xác) hoặc ngọt (nịnh tai) nhưng phải mượt mà và đầy đủ ở cả low-mid (giọng xuống thấp) hoặc high-mid (lên cao). Bạn không nên chọn các mẫu tai nghe có âm bass và âm treble lấn quá nhiều vào dải mid. Âm mid không tốt và các dải âm không cân bằng sẽ tạo ra các hiện tượng như giọng hát giả tạo, các từ “s” trong câu có tiếng gắt chói tai, đôi khi bạn còn có cảm giác giống như ca sĩ đang vừa bịt mũi vừa hát vậy.

tai nghe, tintucaudio, koss, porta pro
House, Trance và EDM cùng chiếc Porta Pro giá rẻ

– Pop: Các dải âm nên tương đối cân bằng, càng nhiều chi tiết càng tốt. Nếu phần lớn các bản nhạc Pop của bạn có tiết tấu không quá nhanh, hãy ngả sang hướng mua tai nghe Vocal. Ngược lại, nếu bạn thích các nhịp điệu Synth Pop hay Indie Pop sôi động, hãy lựa chọn tai nghe ngả sang hướng Rock hoặc hướng Hip-hop.

– Rock/Metal/Blues: Nhấn vào bass và treble, nhưng âm bass phải có độ chắc chắn, không quá nhiều về lượng và không được gây hiện tượng lấn lướt. Dải âm thấp phải được tách biệt tốt, tốc độ của tai nghe phải tương đối nhanh và sôi động. Âm treble cũng phải mượt mà, không bị gắt, không bị chói gây mệt mỏi cho người nghe.

So với Classic Rock/Hard Rock và Blues, nhạc Metal sẽ đòi hỏi các bài hát cho âm thanh dày dặn hơn.

– Jazz: Lại một thể loại đòi hỏi dải mid tốt. Âm trường không quá hẹp nhưng cũng không nên quá rộng rãi: Âm thanh của tai nghe Jazz nên đi theo hướng sâu lắng và tạo cảm giác thân mật, ấm cúng giống như khi bạn ngồi trong một quán bar nhỏ nghe một người nghệ sĩ da đen thổi kèn saxophone vậy.

tai nghe, hi-end, tintucaudio, audio technica
Dù vẫn có khả năng “đánh tạp” nhưng ATH-M50 của Audio Technica rất hợp với Hip-hop

– Hip-hop/Rap: Thực tế, đây là những dòng nhạc khá cân bằng về các dải âm, nhưng các fan lại thường ưa thích nhất là âm bass. Nhịp điệu rất nẩy của Hip-hop đòi hỏi âm bass chắc chắn, có lực. Đừng chọn mua những chiếc tai nghe quá nhiều bass nhưng bass không đủ sâu và chắc, tạo ra âm thanh “lùng bùng” như tai nghe Beats.

– EDM/Trance/House: Các fan của nhạc điện tử cũng thường có nhu cầu đặt trọng tâm là bass. Tùy thuộc vào thể loại cụ thể mà bạn muốn nghe, bạn có thể lựa chọn âm trường rộng lớn (tạo cảm giác “mê hoặc” thênh thang) hoặc âm trường hẹp (tiếng bass “thắt ngực” trong vũ trường). Tai nghe EDM nên tạo ra âm thanh dày dặn với các “tầng tầng lớp lớp” chắc chắn.

Một lần nữa, hãy nhớ rằng ngay cả những nguyên tắc rất chung này vẫn có thể không đúng với sở thích của riêng bạn. Kể cả nếu bạn thích nghe nhạc cổ điển bằng tai nghe có âm trường nông, hẹp, đó vẫn là quyền thưởng thức của riêng bạn. Nhưng, hãy thử nghiệm những chiếc tai nghe có đặc điểm giống như gợi ý của VnReview. Rất có thể bạn sẽ yêu quý các bản nhạc “ruột” của mình nhiều hơn trước đây.

Chất âm đặc trưng cho các hãng tai nghe và thể loại nhạc phù hợp

tai nghe, hi-end, tintucaudio, shure se215
Giọng hát của ca sĩ luôn được tái hiện rất ấm áp trên tai nghe Shure

Giả sử bạn biết chắc chắn rằng phần lớn thời gian của mình sẽ dành cho nhạc cổ điển, và các thể loại khác chỉ là “phụ”. Bạn sẽ làm thế nào để lựa chọn chiếc tai nghe nên mua?

Nói một cách thực tế, bạn sẽ không thể xác định chính xác 100% chiếc tai nghe nên mua nếu như chưa trực tiếp thử nghiệm tất cả các lựa chọn của mình. Nhưng ngược lại, việc tìm hiểu trước các lựa chọn có thể sẽ tiết kiệm được thời gian của bạn tại các cửa hàng thiết bị âm thanh, và cũng sẽ giúp quá trình đưa quyết định của bạn trở nên chính xác hơn.

Trở lại với vấn đề chọn tai nghe dựa trên thể loại nhạc. Yếu tố đầu tiên mà bạn có thể cân nhắc khi lựa chọn tai nghe dựa theo thể loại nhạc chính là thương hiệu của chúng.

Thông thường, mỗi hãng sản xuất tai nghe thường có một âm thanh đặc trưng của riêng mình. Thuật ngữ được giới sành âm thanh dùng để gọi âm thanh đặc trưng của mỗi hãng là “house sound”, tạm dịch là âm thanh “nhà” Grado, “nhà” Sennheiser hoặc “nhà” Beyerdynamic. Các hãng tai nghe nổi tiếng  nhất và chất âm đặc trưng của họ là như sau:

tai nghe, hi-end, tintucaudio, Beyerdynamic
“Nhà” Beyerdynamic
  • Beyerdynamic: Âm thanh thiên sáng và tạo cảm giác chính xác. Dải mid khá mỏng. Dải cao của Beyerdynamic phục vụ rất tốt cho nhạc acoustic do tách biệt các nhạc cụ tốt. Một số người sẽ nghĩ Beyerdynamic thiếu sức sống, nhưng bạn cũng có thể sẽ ví những chiếc tai nghe Đức này với các loại TV có màu sắc trung thực nhất (không “nịnh mắt”) và có độ phân giải cao nhất. Đây là một hãng tai nghe theo hướng “phân tích âm thanh”.
  • Grado: Tiếng guitar điện trên tai nghe Grado khá dày và giàu sức sống. Âm bass khá nhiều, âm treble tương đối tách bạch. Bởi vậy, Grado là lựa chọn số 1 cho Rock, Metal và Blues. Tai nghe Grado tầm thấp cũng khá phù hợp với các bản nhạc Jazz sâu lắng. Các sản phẩm Grado cao cấp cũng khá phù hợp cho nhạc cổ điển nhờ có âm trường tương đối rộng. Nhìn chung, âm thanh Grado là âm thanh đi theo hướng “nghe để cảm thấy phấn khích”.
  • Sennheiser: Âm thanh ấm và hơi tối. Âm thanh đặc trưng của Sennheiser được gọi là “Veiled Sound” – cảm giác âm thanh có một lớp màn che phủ. Sennheiser phục vụ tốt nhất cho nhạc Vocal: từ Bằng Kiều, Lệ Quyên cho tới Celine Dion hay Yao Hsi-Ting. Âm thanh Sennheiser nói chung là âm thanh “nghe để thư giãn”.

    sennheiser, dark voice, tai nghe, Hi-end, tintucaudio
    Sennheiser HD650 có chất âm ấm, tối, khi kết hợp cùng amp Darkvoice sẽ mang tới trải nghiệm vocal tốt hơn
  • AKG: dải mid tốt nhưng dải bass hơi thiếu. Bởi vậy AKG chỉ thực sự hợp với vocal, nhạc hòa tấu, New Age và Jazz. AKG là một hãng tai nghe mang hơi hướng “thư giãn”.
  • Sony: Với số lượng sản phẩm quá phong phú, Sony gần như không có một âm thanh đặc trưng nào cả. Nhiều sản phẩm in-ear của Sony có phần bass nhiều và khá lấn trong khi những chiếc tai nghe studio lâu đời như V6 và 7506 lại có âm thanh khô, chính xác. Tuy vậy, nhìn chung lựa chọn Sony là lựa chọn “nghe phấn khích”.
  • Audio Technica: Thương hiệu Nhật Bản này cũng không thực sự có một âm thanh đặc trưng. Song, dòng ATH-AD được ưa chuộng tại Việt Nam lại khá nổi danh nhờ âm trường rất lớn, tạo cảm giác thoáng đãng cho người nghe. Phù hợp với nhạc Vocal và nhạc hòa tấu, nhạc cổ điển.
tai nghe, Hi-end, tintucaudio, audio technica
Âm trường rộng là yếu tố đầu tiên bạn sẽ nghĩ tới khi nói về dòng AD của Audio Technica

Hiển nhiên, âm thanh đặc trưng cho mỗi “nhà” sẽ không mang tính chính xác 100% trên tất cả các lựa chọn. Một số sản phẩm của từng hãng sẽ tách biệt hoàn toàn khỏi những người anh em của mình về chất âm. Ví dụ, Sennheiser dù nổi danh với âm thanh “che màn” nhưng cũng có thể mang tới chất âm tương đối sáng sủa trên HD598. Lời khuyên số 1 dành cho bạn? Hãy cứ tìm cách thử nghiệm thực tế từng chiếc tai nghe mơ ước.

Tai nghe “đánh tạp”

Hiện nay, thị trường tai nghe cũng đã chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các hãng giá rẻ như VSonic, Superlux, SoundMagic… Một số sản phẩm của các hãng này cũng mang lại giá trị rất tốt cho mức giá mà bạn phải bỏ ra, song các hãng giá rẻ mới nổi này cũng chưa có âm thanh đặc trưng của riêng mình. Phần lớn tai in-ear chất lượng cao đều chạy theo chất âm ngọt, ấm, nhiều bass. Một số sản phẩm đã khẳng định được vị thế như VSonic Gr07 hoặc Superlux HD681 lại có chất âm trung hòa hơn và có thể phục vụ tốt nhiều thể loại nhạc.

tai nghe, headphone, superlux, tintucaudio
Superlux HD681 EVO

Một số dòng tai nghe tên tuổi cũng sẽ thể hiện nhiều thể loại nhạc khác nhau ở mức chất lượng khá-tốt, ví dụ như Alessandro MS1 hoặc Sennheiser HD449. Trong khi các mẫu tai nghe này sẽ là những lựa chọn an toàn nhất, chúng cũng sẽ sớm trở nên nhàm chán và kém cỏi hơn các sản phẩm cùng tầm giá nhưng lại tập trung vào riêng 1 thể loại nào đó.

Điều này có nghĩa rằng cho mỗi tầm giá, bạn có thể sẽ có 2 lựa chọn: hoặc chọn những chiếc tai nghe “đánh tạp” cho mọi thể loại, hoặc lựa chọn những chiếc tai nghe có chất lượng tuyệt vời cho 1 thể loại nhưng chỉ dừng ở mức “tạm ổn” cho các thể loại khác. Quyền lựa chọn vẫn là của riêng bạn.

tai nghe, sony, tintucaudio
Sony MDR-EX500LP, một kỷ niệm đẹp của các fan Rock/Pop

Như vậy, trong bài viết này chúng ta đã cùng điểm qua những lời khuyên chung về âm nhạc – yếu tố rộng lớn nhất, choáng ngợp nhất khi lựa chọn mua tai nghe. Trong bài viết sau chúng tôi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về cách phân bổ kinh phí và mua sắm một chiếc tai nghe sao cho hợp lý và thiết thực nhất.

Lê Hoàng / VnReview

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here